Vị trí kinh doanh nhượng quyền: Là “thiên thần” hay “ác quỷ”

Yếu tố vị trí trong kinh doanh nhượng quyền

Vị trí kinh doanh của doanh nghiệp bán đồ ăn nhanh hay bán lẻ có thể làm nên thành công hoặc hủy hoại chính nó. Thông thường với các thương hiệu lớn, người mua nhượng quyền thường được các chủ thương hiệu khuyến khích mở những địa điểm mà có thể quảng cáo được thương hiệu càng nhiều càng tốt.

Đây là yếu tố tưởng chừng như có lợi nhưng lại là “cái bẫy” rủi ro lớn cho người nhận nhượng quyền. Những địa điểm này sẽ “ngốn” một lượng lớn chi phí hoạt động cố định của cửa hàng, và có thể dẫn đến hoạt động kinh doanh chẳng bao giờ có lãi. Cần thận trọng và thảo luận thật kỹ với chủ nhượng quyền trước khi quyết định mở cơ sở kinh doanh tại các địa điểm trên. Một bản tính toán chi tiết chi phí hoạt động bao gồm tiền thuê mặt bằng là một điều cần thiết, không nên bỏ qua yếu tố bạn sẽ mất một khoản tiền đặt cọc rất lớn nếu phải huỷ bỏ hợp đồng thuê giữa chừng.

Các thương hiệu như Ministop, FamilyMart, Subway hay Caffe Bene… luôn yêu cầu người mua nhượng quyền tiềm năng nghiên cứu kỹ vị trí kinh doanh trước khi quyết định. Họ dành rất nhiều thời gian cùng với đối tác cùng khảo sát tình hình khu dân cư xung quanh, sơ đồ giao thông, lượng người đi bộ hay tiện ích đỗ xe… để có những chỉ số có thể ước tính được lượng khách hàng tiềm năng vào cửa hàng. Bạn cũng cần chú ý những cửa hàng kinh doanh nhượng quyền cùng thương hiệu xung quanh đó, nó có thể tạo ra cạnh tranh trong cùng thương hiệu không cần thiết.

Lợi và hại khi mở cửa hàng tại các Trung tâm mua sắm

Phải rất cẩn thận trước khi đăng ký thuê vị trí cho cửa hàng của mình trong một trung tâm mua sắm. Bạn cần lắng nghe những người đi trước và họ cho rằng những người chủ phát triển trung tâm mua sắm hoặc khu phố thương mại là nhân tố quan trọng hơn tiếng tăm của một hệ thống nhượng quyền trong việc điều tiết giờ giấc và thi hành các nội quy và luật lệ. Như một số người nói nửa đùa nửa thật: “Chủ trung tâm coi họ là người “chủ” theo đúng nghĩa”.

Ảnh hưởng của người chủ phát triển trung tâm mua sắm đến doanh nghiệp của bạn là rất lớn, nhưng bạn lại có rất ít ảnh hưởng đến sự quản lý của một trung tâm như vậy. Với sự quản lý kém cỏi, chất lượng dịch vụ của trung tâm mua sắm có thể sẽ chẳng còn gì. Khi đó, trong nhiều trường hợp, nhà phát triển sẽ gần giống đối tác tài chính của bạn vì cách tính tiền thuê mặt bằng luôn có lợi cho họ. Trong trường hợp doanh số bạn chưa cao, họ sẽ lấy tiền thuê mặt bằng theo giá thị trường. Khi kinh doanh của bạn phát triển, họ sẽ chuyển sang phương pháp có lợi hơn là tính một phần trăm nhất định trên doanh số của bạn, thường đó là một con số lớn. Trong trường hợp đó, họ kiểm soát toàn bộ số liệu doanh thu của bạn.

Theo khảo sát của CBRE Việt Nam cho thấy, xu hướng đóng cửa ở các trung tâm thương mại, mặt bằng bán lẻ nhiều hơn mở mới vẫn tiếp diễn trong quý vừa qua. Cụ thể, trong số 168 cửa hàng, trung tâm mở mới, đóng cửa hay đang hoàn thiện, thì số lượng đóng cửa chiếm đến 48%, trong khi số lượng mở mới chỉ có 39%.

Đừng coi nhẹ dịch vụ của trung tâm mua sắm hay các yếu tố thuận tiện khi chọn vị trí kinh doanh. Khách hàng sẽ không lái xe đi lòng vòng tìm một chỗ đỗ xe để mua sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn.

Vị trí không quan trọng lắm với một số mô hình nhượng quyền

Đối với một số loại hình nhượng quyền, vị trí kinh doanh có vai trò ít quan trọng hơn. Giả sử bạn muốn mở một dịch vụ quản lý thuế và kế toán, hay chăm sóc trẻ em… bạn không cần thuê những vị trí tại các trung tâm mua sắm hay mặt tiền đường. Bạn vẫn cần đánh giá về marketing và quy mô dân số để đặt doanh nhiệp vào khu vực có nhu cầu thị trường. Nhưng vì bạn thường tới địa điểm làm việc của khách hàng và càng không phải đi bộ nên sự thuận tiện của vị trí kinh doanh cũng không có nhiều ý nghĩa lắm.

Những khu trường đại học có thể là vị trí kinh doanh lý tưởng đối với lĩnh vực dịch vụ. Trước tiên hãy thăm dò ý kiến của sinh viên để xác định dịch vụ nào của họ cần và muốn có tại khu học xá. Điều này gần như đảm bảo chắc chắn cho sự thành công!

Đừng có vội vàng kinh doanh nhượng quyền mà bỏ qua việc xem xét và đánh giá các vị trí kinh doanh, một người mua quyền kinh doanh thương hiệu GNC (cửa hàng bản lẻ sản phẩm vitamin), đã mắc sai lầm như vậy. Anh ta nói: “Tôi cố len vào thương trường sau khi được chia một khoản tiền từ công ty cũ và tôi chọn một vị trí kinh doanh mà chủ thương hiệu đã bố trí trước đó mặc dù tôi rất lo lắng về vị trí này. Giờ đây nhận ra rằng việc kinh doanh của mình chẳng thể đạt hết công suất với vị trí hiện thời và anh đang nghĩ đến những chi phí và những rắc rối nếu chuyển đến ví trí kinh doanh khác”.

Vân Anh (Tổng hợp)/Theo NQVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *