Trong thập kỷ vừa qua, chúng ta đã thích nghi các khoảng chú ý với những thay đổi của truyền thông tin tức. Nhưng tương lai có thể sẽ mang đến điều ngược lại – truyền thông tin tức sẽ thích nghi với chúng ta. Điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến tương lai của tin tức?
Theo trang Venturebeat, một nghiên cứu người tiêu dùng mới đây của Microsoft khẳng định khoảng chú ý của con người hiện nay là 8 giây, thấp hơn so với con số 12 giây hồi năm 2000. Thậm chí con số này còn thấp hơn khoảng chú ý của loài cá vàng (9 giây).
Trong một thập kỷ qua, với sự ra đời của truyền thông xã hội, tâm trí chúng ta dường như đã tiến hóa để thích nghi với luồng thông tin không ngừng nghỉ từ sự kết hợp giữa truyền thông tin tức và truyền thông xã hội.
Trong thời gian này, nhiều hãng truyền thông tin tức đã chuyển dịch từ báo in sang trang tin trực tuyến trong khi vẫn duy trì mô hình kinh doanh phụ thuộc nhiều vào quảng cáo.
Một số công ty truyền thông đã phát hiện ra công thức làm thay đổi cuộc chơi với truyền thông xã hội – càng nhiều lượt chia sẻ tin tức đồng nghĩa với việc càng có nhiều lần nhấp chuột vào quảng cáo và nhiều thu nhập hơn. Và khi truyền thông xã hội ngày càng trở thành nguồn tin chủ đạo, các hãng truyền thông tin tức lại càng trở nên phụ thuộc vào nó.
Mới chỉ vài năm trước, 68% các nhà báo đã cho rằng báo chí không thể tiếp tục hoạt động mà không có truyền thông xã hội.
Năm 2015, truyền thông xã hội đã thu hút truy cập vào các trang tin tức nhiều hơn so với các công cụ tìm kiếm. Hiện nay, doanh thu từ quảng cáo trực tuyến đã chiếm 36% tổng doanh thu quảng cáo của tờ New York Times và 70% doanh thu quảng cáo của tờ Forbes.
Ngoài ra, nhiều công ty truyền thông tin tức không có phiên bản báo in rất thành công cũng được sinh ra từ kỷ nguyên phát triển phương tiện truyền thông xã hội này, như Huffington Post (2005), BuzzFeed (2006, cùng năm với Twitter), Business Insider (2009), Mic (2011) và Quartz (2012).
Nói ngắn gọn thì khi truyền thông tin tức ngày càng phụ thuộc vào mạng xã hội như một phương tiện, và truyền thông xã hội cũng ngày càng thâm nhập sâu vào đời sống của chúng ta, con người dường như đã thích nghi khoảng chú ý của mình với cơn lũ thông tin mới này.
Chúng ta cần tìm ra cách xử trí với những đợt tin tức mới liên tiếp ập đến, vì thế chúng ta đã rút ngắn khoảng chú ý từ 12 giây xuống còn 8 giây để có thể làm được nhiều việc một lúc, đặt thứ tự ưu tiên và tiêu thụ tin tức một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra trong mối quan hệ gần như là tiến hóa giữa khoảng chú ý của chúng ta và truyền thông tin tức? Chúng ta có sớm đạt đến khoảng 7, 6 hay thậm chí là 5 giây không? Chuyện đó còn chưa chắc. Thực tế, chúng ta đang ở giai đoạn bước ngoặt trong mối quan hệ này – truyền thông tin tức đang thích nghi với chúng ta.
Các hãng tin đang bắt đầu cảm nhận được những tác động kinh tế của khoảng chú ý, rằng lượng tin tức càng nhiều thì sự chú ý càng ngắn, và vì thế, họ cần phải phân bổ sự chú ý một cách hiệu quả.
Dù chỉ được áp dụng cho kỷ nguyên truyền thông xã hội khoảng 10 năm qua, đây không phải là một khái niệm mới. Năm 1969, Herbert A. Simon, người giành giải Nobel, từng viết: “…trong một thế giới thông tin phong phú, thông tin dồi dào đồng nghĩa với sự thiếu hụt một thứ khác: sự khan hiếm của bất cứ thứ gì được thông tin tiêu thụ. Thứ mà thông tin tiêu thụ khá rõ ràng: nó chiếm lấy sự chú ý của những người nhận thông tin. Do đó sự dồi dào về thông tin tạo ra sự thiếu thốn về chú ý và dẫn đến nhu cầu phân bổ sự chú ý một cách cụ thể giữa các nguồn tin quá mức dồi dào.”
Khi truyền thông xã hội ngày càng trở thành nguồn tin chủ đạo, các hãng truyền thông tin tức lại càng trở nên phụ thuộc vào nó.
Trong nghiên cứu của mình, Simon đã đề cập đến cơn lũ thông tin từ các máy tính khổng lồ của kỷ nguyên đã qua, nhưng lý thuyết của ông cũng có thể được áp dụng cho cơn lũ thông tin từ mạng xã hội và truyền thông tin tức ngày nay. Và bây giờ, khi chúng ta đang tiếp cận kỷ nguyên khan hiếm sự chú ý với các hãng tin tức, điều này có ý nghĩa gì với xuất bản và báo chí?
Mục lục bài viết
1. Các định dạng ngắn hơn và giàu tính tương tác hơn
Khoảng thời gian chú ý ngắn đi của chúng ta không phải yếu tố duy nhất gây nên sự thay đổi về số từ trong một bản tin. Với đại đa số các hãng tin ngày nay, điện thoại di động đã làm tăng lưu lượng truy cập hơn so với trang web, tức là viêc tối ưu hóa màn hình điện thoại nhỏ xíu cần là một mục tiêu ưu tiên của họ. Cả hai yếu tố này đều đang thúc đẩy sự sụt giảm về độ dài trung bình của một bài báo tin tức.
Ví dụ, hồi năm 2014, Associated Press, hãng tin độc lập lớn nhất thế giới, đã kêu gọi các nhà báo của mình duy trì các bài báo chỉ trong khoảng 300-500 từ. Thư điện tử, một khái niệm dường như đã lỗi thời và không hấp dẫn, lại trở thành phương tiện truyền tải newsletter, một định dạng dựa trên tóm tắt ngắn gọn mà nhiều hãng tin đang thử nghiệm.
Ngoài việc giảm số từ trung bình của bài viết, đầu tư và thử nghiệm với các định dạng tương tác (chứa ít từ hơn nữa) ngày càng tăng lên, ví dụ như ứng dụng thực tế ảo của New York Times dành cho Google Cardboard, ứng dụng chatbot (trả lời tự động) của Quartz, các chatbot của CNN/Wall Street Journal/BuzzFeed trong ứng dụng Facebook Messenger, các kênh Periscope, Snapchat Discover và các công ty khởi nghiệp như Hardbound.
2. Nâng tầm quan trọng của các bài viết tin tức dài
Điều này ban đầu nghe có vẻ mâu thuẫn nếu so sánh với những gì mới nêu ở điều 1. Nhưng mặc dù khoảng chú ý ngắn lại, chúng ta vẫn đọc những bài viết cuốn hút và mang tính phân tích (từ 1.000 từ trở lên).
NewsWhip đã xem xét 10 câu chuyện tin tức hàng đầu trên Facebook của 5 nhà xuất bản tin tức lớn trong năm 2013 và phát hiện ra rằng những câu chuyện tin tức này hoặc là cực ngắn (dưới 300 từ) hoặc là khá dài. Tốp 10 câu chuyện tin tức hay nhất của New York Times có số từ trung bình cao nhất là khoảng 2.000 từ.
Tổng biên tập Kevin Delaney của Quartz cũng đồng tình với giả thuyết này. Ông cho biết trong năm 2013, Quartz đã đăng các bài viết dưới 500 từ hoặc trong khoảng 1.200 từ.
Vậy là dường như chúng ta vẫn có thiên hướng đọc những tin tức dài bất chấp khoảng chú ý bị thu ngắn lại. Chúng ta sẵn sàng chủ động duy trì khoảng chú ý của mình, nhưng chỉ khi chất lượng bài viết thực sự thú vị và hấp dẫn.
Chúng ta lựa chọn kỹ lưỡng hơn những gì xứng đáng dành nhiều thời gian để đọc, tức là các hãng tin tức cần bắt đầu dành nhiều nguồn lực hơn để sản xuất ra những bài viết dài có chất lượng. Ví dụ, một trong 10 câu chuyện hàng đầu của New York Times hồi tháng 11/2013 là một bài viết về những người Australia nhập cư dài hơn 10.000 từ, tương đương với một câu chuyện ngắn.
Về cơ bản, mặc dù đa phần các bài viết của một hãng tin sẽ ở dạng ngắn gọn (như điều 1), nhưng số bài viết còn lại sẽ là những bài viết dài và có chất lượng cực kỳ cao (điều 2). Chúng ta có thể sẽ dần nhìn thấy những tin tức có độ dài tầm trung biến mất.
3. Chủ nghĩa cảm tính
Ngoài việc thực sự đọc các bài viết, chúng ta cũng dành nhiều thời gian chỉ đọc các tiêu đề. Khoảng 60% người Mỹ thừa nhận chỉ liếc nhanh qua phần tiêu đề.
Không có gì đáng ngạc nhiên: chúng ta dành vài giây cho mỗi tiêu đề rồi lại đi tiếp bởi chúng ta có quá nhiều thông tin cần xem. Vậy một nhà báo cần làm gì nếu muốn có độc giả thực sự? Hãy tạo những tiêu đề thu hút sự chú ý.
Nhưng đi kèm với những tiêu đề thu hút sự chú ý cũng là phần nội dung có phần câu khách. Điều này không có nghĩa là các cơ quan báo chí uy tín sẽ bắt đầu dùng chiến lược “câu view” – điều mà chúng ta không còn lạ lẫm. Thay vào đó, chúng ta sẽ thấy xu hướng giảm tính trung dung trong báo chí.
Một nghiên cứu của Edelman cho thấy do sự phụ thuộc vào mạng xã hội, 75% nhà báo cảm thấy áp lực phải tạo ra những nội dung có yếu tố lan tỏa, và yếu tố đó thường ẩn chứa nguy cơ về những nội dung câu khách. Nó như một con dốc trơn tuột vậy và đó cũng là lý do dẫn đến cuộc “khủng hoảng tin vịt” gần đây liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Tóm lại, đây là ba ảnh hưởng của khoảng chú ý bị ngắn lại mà chúng ta sẽ quan sát thấy ở truyền thông tin tức. Thời thế đã thay đổi, và quyền lực của độc giả dường như đã trở nên lớn mạnh hơn bao giờ hết.