Thương mại điện tử: Xu hướng buôn có bạn, bán có phường

Thương mại điện tử (TMĐT) đang là xu hướng kinh doanh mới, theo ước tính của eMarketer, năm 2015 sẽ đạt khoảng 4 tỉ đôla Mỹ. Thực tế kinh doanh đã thúc đẩy các doanh nghiệp nhảy vào lĩnh vực này phải thiết lập những “liên minh” nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của người dùng đối với dịch vụ này.

Cuối tháng 8, tại TP.HCM, khoảng 500 doanh nghiệp với nhiều lĩnh vực, ngành nghề lần đầu tiên quy tụ tại một sự kiện về mô hình “liên minh TMĐT” như: cung cấp nền tảng website (Haravan), hỗ trợ quản lý bán hàng (KiotViệt, iPOS), vận chuyển, giao hàng (Viettel Post, VNPT Post, Giaohangnhanh), thanh toán (Smartlink, Payoo, Ngân Lượng, AsiaPay, 123Pay, VNPay), phát triển tiếp thị (CleverAds, Helu, VietGuy, Callcenter Ngọc Minh, Mitek), chăm sóc khách hàng (Wiindi, Bizicare) cùng hàng trăm chủ cửa hàng, doanh nghiệp vừa và nhỏ… Tham gia liên minh này còn có cả hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom), Intel Việt Nam.

Cũng trong tháng 8 vừa qua, tại Hà Nội, SmartOSC đã đứng ra tổ chức cộng đồng Magento tại Việt Nam. Ông Nguyễn Chí Hiếu, chủ tịch hội đồng quản trị SmartOSC cho biết, Magento là mã nguồn mở tạo các website TMĐT, trên cơ sở đó kết nối các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TMĐT theo quan điểm “nhiều bên cùng có lợi”. Cuối năm 2015, theo ông Hiếu, sẽ có phiên bản Meet Magato hoàn chỉnh cho cộng đồng TMĐT Việt Nam từ ngôn ngữ cho đến tính năng…

Hãng sản xuất Mobiistar đã chính thức công bố liên minh với hai thành viên: Mobiistar chịu trách nhiệm cung cấp hàng, Thế Giới Di Động giữ vai trò bán hàng và giao hàng đến tay người tiêu dùng, còn M-Services với công cụ MoMo sẽ cung cấp cho khách hàng giải pháp thanh toán di động. Theo ông Ngô Nguyên Kha, giám đốc điều hành Mobiistar, ngày 7.9.2015, “liên minh” này chính thức khởi động khi Thế Giới Di Động mở bán dòng smartphone mới nhất của Mobiistar là LAI Yollo.

Sẽ thêm sức mạnh

Việc xây dựng hệ sinh thái ứng dụng cung cấp giải pháp hỗ trợ các đối tác kinh doanh TMĐT, ông Huỳnh Lâm Hồ, giám đốc Haravan, cho biết: “Dù hợp tác với nhau nhưng phần việc của ai nấy lo, không can thiệp vào việc của đối tác. Chúng tôi thành lập những nhóm bạn có cùng mục tiêu, chia sẻ những điểm yếu của nhau để hoạt động tốt hơn”.

Về mô hình liên minh TMĐT, phó tổng thư ký Vecom Nguyễn Ngọc Dũng cho rằng, đây là mô hình hay, kết nối những thành phần trong TMĐT để có hiểu biết nhất định về hoạt động này, để từ đó giới kinh doanh TMĐT xác định “phải đối mặt với vấn đề gì, ai sẽ hỗ trợ giải quyết vấn đề đó”. Ông Huỳnh Lâm Hồ, giám đốc Haravan, chia sẻ thêm: “Mô hình liên minh là nơi tập hợp những đối tác có chung một mục tiêu. Tương lai của nó chưa thể biết trước được, nhưng điều có thể nhìn thấy được là hoạt động TMĐT của những doanh nghiệp, cửa hàng nhỏ sẽ bài bản, thuận lợi hơn. Những lo ngại của khách hàng sẽ được giải quyết nhanh hơn”.

Ông Nguyễn Bá Diệp, phó chủ tịch hội đồng quản trị M-Services cho rằng, khi một doanh nghiệp hoạt động có cộng đồng hỗ trợ, từ cung cấp hàng hoá, công nghệ, phân phối, cho đến cung ứng các giải pháp thanh toán… hiệu quả kinh doanh sẽ cao hơn so với những doanh nghiệp hoạt động độc lập.

Bền vững?

Không chỉ là những lời nói suông, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tìm hiểu năng lực, mục tiêu của các đối tác để thành lập những “nhóm bạn”, điển hình là nhóm Mobiistar – Thế Giới Di Động và M-Services. Haravan cùng với Vecom và Intel Việt Nam có tham vọng tổ chức một liên minh quy mô hơn. Được biết, những thành viên chủ chốt của liên minh Haravan – Vecom – Intel Việt Nam đang bàn bạc để sớm thống nhất chính sách hoạt động, cơ chế kết nối để tạo hiệu quả thực tế. “Khi nào thoả thuận xong cơ chế hoạt động sẽ thông báo cho tất cả những thành viên”, ông Hồ nói.

Theo nhận xét của nhiều doanh nghiệp, khác với các hội đoàn doanh nghiệp do nhà nước thành lập, các doanh nghiệp trong liên minh sẽ hoạt động hiệu quả vì họ cùng chung lợi ích và cùng mục tiêu tồn tại.

Giám đốc Mobiistar Ngô Nguyên Kha nói một cách hình tượng về tính bền vững của mô hình liên minh trong TMĐT, đó là cần có “sợi dây” nối kết bền vững các đối tác với nhau. “Sợi dây đó chính là sự hài hoà về quyền lợi và trách nhiệm của các bên trong liên minh. Muốn có mối quan hệ bền vững, cần minh bạch mọi thông tin trước khi ký kết hợp tác”, ông Kha chia sẻ.

Nguồn: Thế giới tiếp thị

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *