Sự phổ cập của Internet và điện thoại di động tạo đà phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử các quốc gia khu vực ASEAN. Tăng trưởng kinh tế các quốc gia Đông Nam Á có thể đang giảm tốc, song điều đó không thể ngăn thương mại điện tử bùng nổ.
Tại Indonesia, mức tăng trưởng trung bình 150% mỗi năm liên tục trong một thập kỷ qua đã đưa số lượng thuê bao Internet chạm 90 triệu và dự kiến sẽ lên đến 150 triệu trong chưa đầy 5 năm nữa, theo mục tiêu Chính phủ nước này đặt ra.
Nhiều hãng công nghệ lớn cũng đang nhảy vào cuộc chơi. Cuối năm 2014, tập đoàn viễn thông hàng đầu Nhật Bản, Softbank đã đầu tư 250 triệu USD vào GrabTaxi, hãng phát triển dịch vụ chia sẻ chuyến đi hoạt động tại 6 nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Ở Indonesia, nhà đầu từ Nhật nêu trên cũng vừa rót 100 triệu USD vào chợ trực tuyến Tokipedia và hãng bán lẻ điện thoại qua mạng Trikomsel.
Những doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn hàng đầu tại Singapore như Singapore Press và Temasek cũng không ngoại lệ. Tháng này, Temasek tuyên bố sẽ hợp tác cùng Ngân hàng United Overseas để gây quỹ đầu tư mạo hiểm trị giá 500 triệu USD nhằm vào các dự án thương mại điện tử và một số sáng kiến y tế trong khu vực.
Mảng bán hàng trực tuyến tại các quốc gia Đông Nam Á hiện chỉ chiếm 1-2% tổng doanh thu ngành bán lẻ, khiến dư địa cho tăng trưởng vẫn còn rất lớn. Các nước này đang đứng trước cơ hội đạt được nhiều đột phá, tương tự như Trung Quốc, nơi thương mại điện tử chiếm 11% doanh thu ngành, so với mức 2,5% cách đây 5 năm, theo số liệu của FT Confidential Research.
Tuy nhiên sự bùng nổ thương mại điện tử tại Đông Nam Á đang bị cản trở bởi những yếu tố như chi phí logistics (giao nhận) và những hạn chế trong hệ thống thanh toán. Tại Indonesia, hơn 95% giao dịch trực tuyến được chi trả bằng tiền mặt (CoD), hơn 90% lượng truy cập không tạo ra doanh thu.
Tuy vậy, những hãng bán lẻ như Lazada và Zalora – sở hữu bởi tập đoàn công nghệ Đức – Rocket Internet, đang đạt được mức tăng trưởng nhanh chóng thông qua đầu tư mạnh vào hệ thống kho bãi và chuỗi phân phối.
Gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba cũng đang mở rộng phạm vi hoạt động dịch vụ mua sắm trực tuyến AliExpress tới khu vực này. Gần đây, hãng đã mua lại gần 15% cổ phần tại Bưu điện Singapore, một doanh nghiệp đang đầu tư 145 triệu USD vào các hoạt động logistics trong khu vực.
Hàng loạt hệ thống thanh toán xuyên khu vực ASEAN đang được thành lập như 2C2p và Coda cho phép khách hàng trên 8 quốc gia và vùng lãnh thổ giao dịch thông qua nhiều hình thức từ trình duyệt web máy tính tới ứng dụng trên di động.
Khi thương mại điện tử phát triển, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sẽ diễn ra ngày càng khốc liệt hơn. Sẽ có thất bại và thành công, song không ai khác ngoài người tiêu dùng sẽ là đối tượng được được lợi nhiều nhất.