Thị trường sữa đậu nành đã xuất hiện những “tay chơi” mới khi Hoàng Anh Gia Lai và Nutifood công bố đầu tư vào lĩnh vực này.
Cuối tháng 9 vừa qua, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Nutifood và Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam đã công bố dự án đầu tư vùng nguyên liệu sản xuất sữa đậu nành quy mô lớn.
Theo đó, Hoàng Anh Gia Lai sẽ trồng 1.000 ha đậu nành với sự hỗ trợ giống, kỹ thuật của Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam và Nutifood bao tiêu sản phẩm để sản xuất “sữa đậu nành sạch”. Sản phẩm của sự hợp tác này sẽ có mặt trên thị trường trong 3 tháng tới.
Theo chia sẻ của ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, trong năm đầu tiên, dự án sẽ cung ứng 2.500 tấn đậu nành để cho ra khoảng 3,5 triệu lít sữa đậu nành Nuti.
Trong 5 năm tới, quỹ đất cho đậu nành sẽ tăng lên 3.000ha, đạt sản lượng 20.000 tấn để mỗi năm sản xuất 185 triệu lít sữa đậu nành.
Chia sẻ về sự hợp tác này, ông Trần Thanh Hải – Chủ tịch HĐQT Công ty Nutifood, cho rằng, với thế mạnh về đất đai của Hoàng Anh Gia Lai cộng với nguồn giống tốt do Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam nghiên cứu và kinh nghiệm cũng như dây chuyền sản xuất của Nutifood chắc chắn sẽ cho ra đời sữa đậu nành thơm ngon và giá thành cạnh tranh.
Đánh giá cao về sự hợp tác này, TS. Trần Thanh Hùng – Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam tin rằng dự án này sẽ thành công.
Bởi với sự đầu tư bài bản của hai doanh nghiệp như Hoàng Anh Gia Lai và Nutifood và với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Viện sẽ tạo ra sản phẩm tốt cho thị trường.
Trước Nutifood và Hoàng Anh Gia Lai, vào cuối tháng 8, Công ty Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy) đã khánh thành giai đoạn 2 nhà máy sản xuất sữa đậu nành có kinh phí hơn 1.280 tỷ đồng tại KCN Tiên Sơn (Bắc Ninh), nâng công suất thiết kế lên 180 triệu lít sữa mỗi năm.
Theo đại diện của Vinasoy, hiện giai đoạn 1 của nhà máy (công suất 90 triệu lít sữa/năm) đã chạy hết công suất, buộc Công ty phải mở rộng quy mô. Vào cuối năm nay, nhà máy thứ 4 sẽ được khởi công tại KCN VSIP 2A Bình Dương.
Lý do để Vinasoy mạnh dạn đầu tư là sự tăng trưởng vượt bậc của ngành hàng này. Ba năm qua, Vinasoy có tốc độ tăng trưởng ở mức 40 – 50% và năm 2014 là 49%.
Hiện sản phẩm của Công ty được tiêu thụ thông qua kênh đại lý và các cửa hàng tiện lợi với 156 nhà phân phối. Doanh thu của Công ty phân chia theo tỷ lệ 40% cho thị trường phía Bắc, 25% cho miền Trung và 35% cho miền Nam.
Đậu nành được biết đến là thực phẩm giàu đạm, nhiều vi chất thiết yếu có lợi cho sức khỏe, như không cholesterol, giàu isoflavones, có tác dụng ngăn ngừa bệnh tim mạch, tiểu đường…
Trên thế giới, rất nhiều quốc gia trong đó có Mỹ, Nhật, Canada, Anh đưa đậu nành vào chương trình lương thực quốc gia.
Tại Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ sữa đậu nành tăng với tốc độ chóng mặt. Theo báo cáo của Công ty Tetra Pak (Thụy Điển), năm 2014, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về tiêu thụ sữa đậu nành với khoảng 613 triệu lít, tương đương mỗi ngày khoảng 1,5 triệu lít.
Nhưng điều đáng nói là chỉ mới có 32% lượng sữa được tiêu thụ là sữa đóng chai, đóng hộp của các thương hiệu có uy tín, phần còn lại là sản phẩm được nấu thủ công tại nhà và bán ở vỉa hè, quán cóc.
Chia lại thị trường?
Các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu có thể sẽ giành ưu thế về thị trường sữa đậu nành. Cách làm của Hoàng Anh Gia Lai và Nutifood là nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Trước đó, Vinasoy dù đứng đầu thị trường nhưng vẫn không ngừng đầu tư cho nguyên liệu sản xuất.
Bằng chứng là cuối năm 2013, Vinasoy đã kết hợp với Trung tâm Nghiên cứu công nghệ sinh học đậu nành quốc gia Mỹ (Đại học Missouri) và Trung tâm Nghiên cứu đậu nành quốc gia Mỹ (Đại học Illinois) thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng đậu nành Vinasoy (VASC).
Tháng 7 vừa qua, VASC đã nghiên cứu và chuyển giao thành công giống đậu nành thuần chủng cho nông dân Cư Jút (vùng nguyên liệu của Vinasoy).
Theo kế hoạch của ngành nông nghiệp, đến năm 2020, Việt Nam sẽ phát triển diện tích trồng đậu nành lên 350.000ha với sản lượng 700.000 tấn.
Kế hoạch này sẽ tập trung ở Đồng bằng sông Hồng, vùng đồi núi phía Bắc và Tây Nguyên. Cùng với sự đầu tư từ các doanh nghiệp, vùng nguyên liệu sẽ hỗ trợ rất nhiều cho sự phát triển bền vững của ngành sản xuất sữa đậu nành.
Với sự tham gia của Hoàng Anh Gia Lai và Nutifood hứa hẹn tạo thêm sự sôi động cho thị trường sữa đậu nành vốn dĩ cạnh tranh rất gay gắt.
Dù “thống lĩnh” thị trường sữa tươi và sữa bột nhưng nhiều năm nay Vinamilk cũng đầu tư cho ngành hàng sữa đậu nành để tăng doanh thu.
Chọn nguyên liệu nhập khẩu không biến đổi gene từ nước ngoài, Vinamilk đã có sữa đậu nành Vfresh và Goldsoy nhưng vẫn không ngừng nghiên cứu đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng cao hơn.
Mới đây, sữa đậu nành thương hiệu Vinamilk bổ sung gấp đôi hàm lượng canxi đã được doanh nghiệp này giới thiệu ra thị trường. Trong khi đó, Vinasoy đang sở hữu hai nhãn hiệu Fami và Vinasoy và gần đây có thêm Fami Kid – sữa đậu nành hương vị sôcôla dành cho trẻ em.
Hai thương hiệu có sản phẩm được người tiêu dùng biết đến là Tân Hiệp Phát và Tribeco cũng tham gia thị trường với thương hiệu Soya Number One và Soya Tribeco.
Với sự tham gia của các “đại gia” mới, ngành hàng sữa đậu nành có phân chia lại thị trường? Theo các chuyên gia trong ngành, điều này là rất khó vì lâu nay thị trường đã thuộc về tay Vinasoy.
Theo báo cáo của Neilsen Việt Nam cuối năm 2014, Vinasoy chiếm đến hơn 82% thị phần sữa đậu nành đóng hộp, 18% được chia cho các thương hiệu Vinamilk, Tân Hiệp Phát, Tribeco…
Với 2 nhà máy tại Quảng Ngãi và Bắc Ninh, Vinasoy đặt mục tiêu nâng khả năng cung cấp sữa đậu nành lên 1,5 tỷ sản phẩm/năm. Với sự đầu tư quy mô, bài bản và tiếp tục mở rộng, Vinasoy đang kỳ vọng trở thành một trong 5 nhà sản xuất sữa đậu nành lớn nhất thế giới.
Nguồn: Doanh Nhân Sài Gòn