AB InBev có khả năng sáp nhập với SABMiller khi mà thị trường của các thương hiệu bia lớn đang đi ngang. Lịch sử của nhà sản xuất bia lớn nhất thế giới là một cơn khát không thể giải tỏa.
Năm 1989 Jorge Paulo LeMann và hai đối tác đã mua một công ty bia tầm trung của Brazil tên là Brahma với giá 50 triệu đô la Mỹ. Một thập kỷ sau Brahma mua lại đối thủ của mình là Antarctica và đổi tên thành AmBev. Năm 2004 họ sáp nhập với Interbrew, một công ty bia của Bỉ với các sản phẩm như Stella Artois và Beck, để trở thành InBev. Bốn năm sau, InBev trả 52 tỉ đô la Mỹ để mua lại hãng Anheuser-Busch của Hoa Kỳ.
Như thể những thương vụ thâu tóm này vẫn chưa đủ chóng mặt, năm 2012 cái tên mới Anheuser-Busch InBev tiếp tục trả 20 tỷ đô la Mỹ để nắm quyền kiểm soát hãng bia Grupo Modelo của Mexico.
Tuy nhiên dường như bây giờ mới là thời điểm cho thương vụ táo bạo nhất của hãng bia này. Ngày 16 tháng 9 SABMiller, nhà sản xuất bia lớn thứ hai trên thế giới, xác nhận rằng họ đang bị ve vãn bởi công ty AB InBev. Nếu thương vụ kết hợp thành công, công ty mới sẽ sở hữu gần một nửa lợi nhuận của toàn ngành công nghiệp bia và chiếm một trong mỗi ba lít bia được uống trên toàn thế giới.
Thông báo này được đưa ra tại thời điểm khó khăn đối với các hãng bia lớn khi trong tháng sáu McKinsey, một công ty tư vấn, cho biết ngành công nghiệp bia đang phải đối mặt với “thách thức lớn nhất trong vòng 50 năm”. Mức tiêu thụ bia ở nhiều thị trường lớn đang “phẳng lì như thùng bia” vậy. Ở Mỹ, điểm sáng duy nhất thuộc về các nhà sản xuất bia cỡ nhỏ khi khối lượng tiêu thụ tăng 18% trong năm ngoái, dù cho tổng lượng tiêu thụ bia của cả nước không thay đổi. Ở một số thị trường khác tình hình còn tồi tệ hơn. Ở Đức, nơi mà bia là niềm tự hào quốc gia, tiêu thụ tính trên đầu người đã giảm tới một phần ba kể từ năm 1970.
Không mấy ngạc nhiên sau đó, các nhà sản xuất bia lớn cũng như nhà đầu tư đã tính đến những thương vụ sáp nhập. Năm ngoái SABMiller đã thử và thất bại trong việc mua lại Heineken, công ty bia lớn thứ ba thế giới. Tháng Sáu mang theo tin đồn rằng công ty tư nhân của ông LeMann, 3G, sẽ mua lại Diageo, nhà sản xuất rượu lớn nhất thế giới, nhằm kết hợp nó với AB InBev. Gần đây hơn, các nhà phân tích đã cân nhắc việc sáp nhập giữa Diageo và SABMiller.
Chắc chắn rằng một vài thương vụ sáp nhập sẽ mang lại thành công cho chủ sở hữu. Tuy nhiên có một logic đằng sau việc AB InBev đưa ra lời đề nghị mua lại tại thời điểm này. Họ đang mất thị phần ở hai thị trường chính. Ở Brazil, nền kinh tế yếu kém đang ảnh hưởng xấu đến doanh số bán hàng. Ở Mỹ, thị phần của hãng này là một con số ấn tượng: 45% trong năm 2014, nhưng nó vẫn thấp hơn 5% so với năm 2009, theo Euromonitor, một công ty nghiên cứu thị trường. Vì vậy, việc mua lại SABMiller có vẻ hấp dẫn, ít nhất vì ba lý do.
Đầu tiên, AB InBev đã chộp được những mục tiêu hấp dẫn khác, theo như đánh giá của ông Trevor Stirling đến từ Sanford C. Bernstein, một công ty nghiên cứu thị trường. Trong quá khứ, hãng này đã cắt giảm chi phí hoạt động của những tài sản mới mua lại giống như cách của hãng 3G. Trong vòng ba năm sau khi AB InBev mua lại Anheuser-Busch, biên lợi nhuận ở Mỹ của hãng này đã tăng 13%. AB InBev cũng đặt kế hoạch tăng biên lợi nhuận của Grupo Modelo thêm 18% so với cùng kỳ. Cơ cấu tổ chức của SABMiller hiện nay đã rất cô đặc và đơn giản, tuy nhiên việc sáp nhập mở ra thêm nhiều khả năng để tăng biên lợi nhuận của họ.
Thứ hai, việc sáp nhập sẽ giúp AB InBev mở rộng quy mô toàn cầu. SABMiller kiếm được gần một phần ba lợi nhuận của hãng từ châu Phi, nơi lượng hàng bán của AB InBev là không đáng kể. Một sự kết hợp cũng sẽ giúp AB InBev phục vụ nhiều người uống hơn ở Colombia và Peru.
Thứ ba, cổ phiếu của SABMiller hiện khá rẻ. Giá cổ phiếu này đã giảm mạnh trong những năm qua bởi đồng rand (đơn vị tiền tệ của Nam Phi) và peso (đơn vị tiền tệ của Colombia) trượt giá. Việc tăng trưởng chậm ở các thị trường mới nổi, nơi SABMiller kiếm được 72% lợi nhuận của mình, đã không giúp gì nhiều cho giá cổ phiếu công ty này. Nếu các nền kinh tế mới nổi phục hồi tốc độ tăng trưởng ấn tượng như trong quá khứ, đầu tư vào SABMiller sẽ đem lại những khoản lợi tức đáng kể.
Theo luật thâu tóm ở Anh, nơi SABMiller được niêm yết, AB InBev phải đưa ra đề nghị chính thức trước ngày 14 tháng 10. Hội đồng quản trị của SABMiller có khả năng sẽ từ chối đề nghị ban đầu này và tìm kiếm một thỏa thuận khác nhằm tránh bị thâu tóm. Tuy nhiên, nỗ lực của họ nhằm kết hợp với Heineken đang không đi đến đâu. Khá rõ ràng rằng không có nhiều giải pháp thật sự tại thời điểm này. “Nếu thương vụ đó có khả năng thành công”, ông Stirling lập luận “họ đã làm điều đó rồi.” Hai cổ đông lớn nhất của SABMiller là Altria, một người khổng lồ trong ngành công nghiệp thuốc lá, và gia đình Santo Domingo của Colombia. Nếu các điều kiện AB InBev đưa ra đủ sức hấp dẫn, họ có thể ủng hộ vụ sáp nhập.
Luật chống độc quyền là một rào cản lớn khác, mặc dù vậy AB InBev vẫn có thể đi đường vòng. Ví dụ, họ có thể bán cổ phần của SABMiller tại MillerCoors, ở Mỹ, và tại CR Snow, nhà sản xuất bia lớn nhất Trung Quốc. Họ đã từng làm điều tương tự. Sau khi mua lại Grupo Modelo, AB InBev đã xoa dịu những nhà làm luật ở Mỹ bằng cách đồng ý bán mảng kinh doanh bia ở Mỹ của công ty Mexico với giá 4,75 tỉ Đô. Cuối cùng thì việc bỏ một hay hai doanh nghiệp nhỏ cũng không thấm vào đâu so với việc thâu tóm một công ty khác lớn hơn nhiều, như người xưa vẫn thường nói “bỏ con săn sắt, bắt con cá rô”.
Nguồn: Trí thức trẻ