Người dùng hào hứng với các nút Like mới được Facebook bổ sung, nhưng giới quảng cáo và tiếp thị mạng xã hội lại còn e dè, vui trong âu lo.
Ngày 25-2, trong chương trình Facebook Reactions đã bổ sung hàng loạt nút biểu cảm mới bên cạnh nút Like, bao gồm: Love (Yêu), Haha (Vui vẻ), Wow (Bất ngờ/Ngạc nhiên), Sad (Buồn), Angry (Giận dữ). Tất cả người dùng mạng xã hội Facebook phiên bản desktop hay di động (mobile) đều lần lượt được cập nhật xài tính năng này.
Theo giám đốc thiết kế sản phẩm của Facebook Julie Zhuo chia sẻ trong bài phỏng vấn với Tạp chí Wired, có đến 1,44 tỉ người dùng mạng xã hội Facebook trên thiết bị di động tính đến 12-2015. Do đó, những phản hồi cho một nội dung có thể khiến họ mất nhiều thời gian để gõ, cần một cách thức khác nhanh hơn. Và bộ ký tự cảm xúc Emoji là lựa chọn tốt nhất.
Tuy nhiên, vấn đề của Emoji là có quá nhiều ký tự biểu cảm, do đó, việc gút lại những nút biểu cảm nào phổ biến nhất đưa vào nút Like đã được đội ngũ Facebook lựa chọn trong thời gian dài, đồng thời tiếp nhận tư vấn từ giáo sư tâm lý xã hội học tại trường ĐH California, Berkeley (UC Berkeley). Đây cũng là nhà tư vấn cho Pixar thực hiện bộ phim hoạt hình câu chuyện của những cảm xúc Inside Out tạo được tiếng vang vừa qua.
Theo giới phân tích, lý do trên nhằm phục vụ người dùng mạng xã hội Facebook biểu thị cảm xúc của mình với nội dung nhưng cũng đồng thời giúp Facebook thu về một lượng dữ liệu khổng lồ và chi tiết về phản ứng của con người đối với các dạng nội dung khác nhau. Dữ liệu vàng cho ngành quảng cáo!
Mục lục bài viết
Thương hiệu và Reactions: Cơ hội và rủi ro
Reactions là một trong những thay đổi quan trọng nhất của Facebook từ khi mạng xã hội này thành lập năm 2004 đến nay. Không chỉ áp dụng cho tài khoản cá nhân, các nút mới có mặt trong các trang thương hiệu (Facebook Fan Pages).
Nút Like đã khiến thế giới web thay đổi, đặc biệt là những chương trình tiếp thị mạng xã hội (social media marketing), và nay các nút Vui – Buồn – Yêu – Giận dữ… (bộ Reactions) sẽ giúp các thương hiệu cất cánh với hàng triệu lượt “Yêu” (Love) hay rơi vào thảm họa khi đón nhận sự “Giận dữ” (Angry) từ phía cộng đồng.
Trước đó, người dùng Facebook chỉ có vài lựa chọn ít ỏi cho một nội dung xuất hiện trên luồng tin (News Feed) của họ: 1. Làm ngơ nó; 2. Thích nó (nhấn Like); 3. Chia sẻ nó (Share); 4. Bình luận tốt hoặc xấu (Comment).
Reactions cung cấp một cách thức mới đo đạc tình cảm và đánh giá chính xác phản ứng của một đối tượng với nội dung trên Trang (Pages) của mình hay một quảng cáo (sponsored post). Nó giúp doanh nghiệp hiểu đa chiều về những cảm giác của đối tượng khách hàng về nội dung mà họ đang cung cấp, mức độ hiệu quả của chiến dịch tiếp thị đang chạy.
Reactions sẽ là một “vũ khí” tạo lợi thế mạnh mẽ giúp Facebook vượt lên trước các đối thủ như Google trong việc lôi kéo quảng cáo từ phía doanh nghiệp và các nhà quảng cáo. Các con số thống kê “Vui – Buồn – Giận dữ…” (Reactions) sẽ sớm có mặt trong công cụ quản lý – thống kê Pages Insights.
Reactions tăng, bình luận giảm
Xu hướng biểu thị nhanh cảm xúc qua các nút Like mới sẽ kéo lượng bình luận (comment) giảm. Theo đó, các công cụ “lắng nghe mạng xã hội” (Social Listening) cũng sẽ có những cập nhật phù hợp với xu hướng thay đổi này.
Chiến lược tiếp thị mạng xã hội sẽ thay đổi
Reactions chắc chắn sẽ góp phần làm thay đổi nội dung hiển thị trên luồng tin cập nhật của bạn mặc dù thuật toán hiện tại vẫn tính toán “Vui” (Haha), “Buồn” (Sad) hay “Ngạc nhiên” (Wow) chỉ là “một Like”.
Giám đốc sản phẩm của Facebook Sammi Krug chia sẻ trên blog cho biết hi vọng theo thời gian Facebook sẽ hiểu tốt hơn về những ảnh hưởng khác nhau của Reactions lên luồng tin cập nhật (News Feed) của mọi người. “Do đó, có thể những lượt ‘Yêu’ hay ‘Haha’ sẽ được đối xử rất khác biệt”.
Như vậy, thuật toán chọn lọc các nội dung hiển thị lên News Feed của người dùng có thể tiếp tục thay đổi trong thời gian tới theo những cách thức phức tạp hơn.
Nhanh tay thử nghiệm là chiến dịch Thể hiện Tình yêu do thương hiệu xe hơi Chevrolet chạy ngay sau khi Facebook đưa vào áp dụng Reactions.
Có hào hứng nhưng cũng nhiều băn khoăn khi một số marketer lo ngại về việc thể hiện trực tiếp cảm xúc tiêu cực của người dùng lên quảng cáo. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng điều này không khác biệt là mấy so với những bình luận xấu cho nội dung quảng cáo như hiện nay.
Nguồn: Tuổi trẻ online