Bút bi Thiên Long: Đổi mới sáng tạo không thể dừng

Thương hiệu Thiên Long

Với khát vọng đưa cây bút Việt Nam có mặt khắp năm châu, một người bán bút bi dạo, trình độ không vượt quá trung học, đã biến một cơ sở sản xuất gia đình thành một tập đoàn sản xuất văn phòng phẩm lớn nhất Việt Nam và top đầu Đông Nam Á. Và “bí kíp” được xem là kim chỉ nam của người đàn ông ấy chính là liên tục đổi mới và sáng tạo.

Năm 1981, bút bi hiếm đến mức, người ta còn phải bơm mực vào để tái sử dụng. Và khi mọi người đang nghĩ sản xuất bút bi sẽ chỉ là sân chơi dành riêng cho người Thái thì cũng là lúc ông Cô Gia Thọ, một người bán bút bi dạo, học chưa hết trung học, nhận ra cơ hội “đổi đời” từ nghề này. Từ hai chỉ vàng dành dụm, ông bắt đầu mua máy ép nhựa quay tay để sản xuất bút bi, mọi khâu từ sản xuất, bán hàng đều do ông tự đảm nhiệm.

Hơn 30 năm sau, cơ sở sản xuất bút bi ngày nào giờ đã trở thành một tập đoàn dẫn đầu thị trường ngành sản xuất bút, văn phòng phẩm, đồ dùng học tập với hơn 400 mã hàng thuộc 90 dòng sản phẩm khác nhau. Kết thúc năm 2014, doanh thu tập đoàn đạt trên 1.600 tỉ đồng. Đặc biệt, ước vọng ngày nào của ông Thọ đã dần trở thành hiện thực, khi bất cứ nơi nào ở Việt Nam đều có thể thấy sản phẩm Thiên Long, và sản phẩm của công ty đã có mặt tại 40 quốc gia trên thế giới.

Sáng tạo không ngừng nghỉ

Mới đây trong chuyến tham quan thực tế nhà máy Thiên Long tại TP.HCM, chia sẻ bí quyết thành công với các thành viên CLB Đổi mới sáng tạo, người đứng đầu tập đoàn Thiên Long, ông Cô Gia Thọ cho rằng, vũ khí để ông và Thiên Long vượt qua khó khăn chính là tinh thần đổi mới và sáng tạo:

“Ngay từ đi còn đi bán bút dạo, tôi đã ý thức được việc cần phải cải tiến cây bút. Hơn 30 năm phát triển, không phải chỉ khi khó khăn mà ngay cả thời điểm thịnh nhất, tinh thần cải tiến và học hỏi không khi nào dừng, càng dẫn đầu càng phải cải tiến”.

Những năm 90 của thế kỷ trước, người tiêu dùng vẫn chỉ quen một vài loại bút bi, bút màu thông dụng thì đến nay đã có đủ các loại. Tất cả đều có xu hướng đa năng, phù hợp với từng đối tượng và thân thiện với môi trường, an toàn cho sức khoẻ.

Ở dòng sản phẩm bút bi, Thiên Long đã nghiên cứu loại mực tốt có thể viết được lâu gấp ba lần so với loại mực cũ và người dùng có thể thay ruột bút mà không phải mua bút mới. Các loại bút sáp dành cho trẻ em thậm chí còn được thiết kế và sản xuất trong môi trường vô sinh, sáp hoàn toàn vô hại tới sức khoẻ nếu trẻ em vô tình nuốt phải.

Ngay cả cách khai phá và tiếp cận thị trường nước ngoài, thương hiệu Thiên Long cũng cho thấy một cách sáng tạo rất đời thực. Khi chia sẻ về kinh nghiệm khi lần đầu khai phá và tìm hiểu cơ hội kinh doanh tại thị trường Myanmar, ông Thọ ví von: “Chinh phục một thị trường mới cũng chẳng khác gì một người đàn ông bình thường chinh phục cô hoa hậu. Muốn thành công, cách tốt nhất là chúng ta tấn công khi cô ấy chưa trở thành hoa hậu”.

Ông Thọ cho rằng, chính những ngày tháng bán bút bi dạo đã giúp ông rất nhiều trong việc hiểu thị trường để cải tiến ra các sản phẩm sau này.

Làm chủ công nghệ

Từ năm 2003, Thiên Long chủ trương thành lập các phòng ban để nghiên cứu, cải tiến, sản xuất các nguyên liệu như R&D, phòng nano, phòng khuôn, ban cải tiến… Chỉ riêng nhà máy tại TP.HCM, phòng R&D hiện đã có tới 25 nhân viên. Theo đó, mỗi năm công ty dành khoảng 3 – 5% doanh thu cho công tác R&D cũng như đầu tư, mua sắm trang thiết bị chuyên dụng.

Hiện, mỗi năm công ty đưa ra thị trường hàng chục sản phẩm mới, trong đó gần 80% sản phẩm được cải tiến và hơn 20% sản phẩm mới, 40% trong số đó được đánh giá là ứng dụng thành công. Tất cả các sản phẩm này đều tự thiết kế kiểu dáng, mẫu mã trên cơ sở nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng trong từng phân khúc thị trường. Theo ông Nguyễn Đình Tâm, phó TGĐ thường trực tập đoàn Thiên Long, việc tiên phong và chủ động công nghệ là hướng đi không chỉ giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí sản xuất, nguồn nguyên liệu, hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp bên ngoài, đặc biệt là kiểm soát được chất lượng, mà còn là động thái để doanh nghiệp sẵn sàng cho sự hội nhập.

Đúc kết kinh nghiệm quản trị đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, ông Cô Gia Thọ cho rằng: “Đổi mới sáng tạo là quá trình liên tục và không bao giờ được dừng lại. Nếu dừng, một nhà máy đang dẫn dầu sẽ đến lúc không còn tồn tại. Nhân viên của tôi đi các hội chợ, thấy có công nghệ là phải tìm cách tiếp cận được. Đó là học hỏi. Sáng tạo không thể khơi khơi, mà phải dựa trên thực tế và sự học hỏi”.

Đã có đến 80% máy móc thiết bị sử dụng tại Thiên Long là do Thiên Long tự chế.

Theo: Minh Đạo/Nguồn: Thế giới tiếp thị

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *