Thị trường thương mại điện tử vốn đang nóng lên từng ngày, nay càng thêm sôi sục trước cái bắt tay của Hotdeal với Transcosmos.
Hotdeal đã bán 30% cổ phần cho đối tác đến từ xứ sở hoa anh đào. Hotdeal đã bán 30% cổ phần cho đối tác đến từ xứ sở hoa anh đào. Dù giá trị thương vụ trên không được cả hai phía công bố, nhưng qua một vài phát biểu của người trong cuộc có thể thấy, cả kẻ bán và người mua đều tỏ ra rất hài lòng.
Ông Nguyễn Thành Vạn An, Giám đốc điều hành, kiêm người sáng lập Hotdeal nói rằng: “Việc liên kết với Transcosmos sẽ tạo nên bước đột phá trong vấn đề cải thiện chất lượng dịch vụ cũng như thúc đẩy những kế hoạch mở rộng kinh doanh của Hotdeal, không chỉ tại Việt Nam mà còn lấn sang các thị trường đang phát triển mạnh tại Đông Nam Á”. Trong khi đó, đại diện phía Nhật Bản cũng đặt kỳ vọng tương tự khi cho rằng, với thương vụ này Transcosmos sẽ tham gia trực tiếp và sâu hơn vào việc điều hành Hotdeal và trong tương lai sẽ đưa những mặt hàng từ Nhật Bản vào thị trường Việt Nam.
Ông Vạn An không giải thích thêm về tham vọng mở rộng hoạt động kinh doanh tại Đông Nam Á của đối tác, nhưng tham vọng biến Hotdeal trở thành bàn đạp để “chinh phạt” sâu hơn vào các quốc gia Đông Nam Á nhằm đồng bộ hóa thị trường thương mại điện tử tại khu vực này của Transcomos là thấy rõ. Một chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử nhận định: “Có thể nhận thấy Transcomos đang cố gắng tạo ra một sàn giao dịch chung (market place) cho toàn ASEAN – nơi mà các thương gia có thể bán hàng và giao hàng đến tất cả mọi nơi. Họ đang mong muốn hoàn thành điều này trước khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức thành hiện thực”.
Trước Hotdeal, thời gian gần đây Transcosmos cũng đã tiến hành một số thương vụ mua bán và sáp nhập tại các quốc gia khác trong khu vực. Gần đây nhất, tháng 3/2015, Transcosmos mua lại trang web bán hàng theo nhóm lớn nhất Philippines là MetroDeal với giá 30 triệu USD. Năm ngoái, Transcosmos đã mua 10% cổ phần của trang e-Book hàng đầu Thái Lan là Ookbee. Vào năm 2013, công ty này cũng mua lại 30% cổ phần của trang thương mại điện tử thời trang nổi tiếng của Indonesia là BerryBenka…
Nếu tính ở khu vực châu Á, tháng 6/2015, Transcosmos đầu tư và góp vốn vào Magic Panda, một trang thương mại điện tử chuyên về thời trang tại Trung Quốc. Trước đó, tháng 10/2014, Transcosmos rót vốn hợp tác cùng UNQ, công ty chuyên phân phối mỹ phẩm Nhật Bản, Hàn Quốc tại Trung Quốc vốn có những kênh bán lẻ trực tuyến như JUMEI, The Store, JD.com. Trong đó JD.com vốn là đối thủ của Alibaba. Tháng 6/2013, Transcosmoss cũng mua lại 20% cổ phần của FineEx, công ty logistics lớn tại Trung Quốc…Vì sao Hotdeal phải bán 30% cổ phần cho đối tác Nhật? Theo một chuyên gia, rất có thể là Hotdeal đang cần nguồn tiền mặt. “Nếu như nhìn vào các tay chơi lớn trên thị trường hiện nay trong lĩnh vực sàn giao dịch đa ngành (multi-category market place), Lazada với nguồn lực tài chính dồi dào, chắc chắn sẽ không có chuyện bán lại. Người chơi lớn tiếp theo chỉ có Hotdeal. Nếu nhìn theo tăng trưởng hàng năm trên desktop và các web tương tự, Hotdeal đã mất 35% lượng traffic và khả năng cao là Hotdeal đang cần tiền mặt”, vị này nói thêm.
Sau Hotdeal, liệu Transcosmos có mua lại những website thương mại điện tử nào khác của Việt Nam hay không? Theo một chuyên gia không muốn nêu tên, khả năng là không cao. Vị này lý giải, Transcosmos chỉ đang cần một nền tảng căn bản + tập khách hàng + kiến thức về e-commerce tại Việt Nam thay vì phải thiết lập lại toàn bộ từ đầu khi vào thị trường Việt Nam. Việc mua lại những website khác là không cần thiết khi tập khách hàng chắc chắn sẽ ít hơn Hotdeal (và khả năng trùng lặp là cao), không thể nào sáp nhập hệ thống IT của một website mới vào hệ thống của Hotdeal một lần nữa…
Sẽ sắp lại ván cờ?
Với việc tham gia của Transcosmos, sắp tới rất có thể một cuộc chiến tranh giành ngôi vương trong lĩnh vực thương mại điện tử sẽ diễn ra giữa Hotdeal và Lazada, hai đối thủ được coi là có khả năng tài chính tốt, có đội ngũ quản lý quốc tế và dày dặn kinh nghiệm về bán hàng online. Và vì thế, với việc Hotdeal bán lại 30% cổ phần cho đối tác Nhật, khách hàng sẽ là những người được hưởng lợi đầu tiên khi có thêm sự lựa chọn về sản phẩm, nguồn hàng tốt, giá cạnh tranh và chất lượng phục vụ được nâng cao…
Bản thân Hotdeal cũng sẽ được hưởng lợi lớn khi có thêm nhiều nguồn cung mới dẫn đến tăng thêm về nguồn hàng. Đó là chưa kể, Hotdeal sẽ tận dụng được hệ thống quản trị kinh doanh hiện đại từ một “gã khổng lồ” để không ngừng nâng cấp dịch vụ của mình. Tuy nhiên, khó khăn là không nhỏ khi mà giao nhận quốc tế vẫn còn là thách thức lớn vì thủ tục phức tạp. Ngoài ra, với một đối thủ trực tiếp là Lazada, người cũng cung cấp dịch vụ sàn giao dịch chung quốc tế và hiện đang có lượng hàng hóa lớn nhất thị trường, Hotdeal sẽ phải rất vất vả để cạnh tranh lại. Bên cạnh đó, việc có thể hòa hợp hai đội ngũ nhân sự ở cấp quản lý sẽ rất khó khăn khi mà hai nền văn hóa Việt Nam và Nhật có nhiều điểm khác nhau. Thêm vào đó, nếu nhìn kỹ vào mô hình của Hotdeal (groupon – mua hàng theo nhóm), giá trị trung bình của một người mua hàng là không cao, trong khi đó phí vận hành thì lại rất cao (giao nhận + kho bãi + quản lý) dẫn đến khó khăn để quản lý về tài chính.
Là công ty chuyên cung cấp cho những khách hàng (thường là theo nhóm) các trải nghiệm mua sắm với giá rẻ, thông qua những voucher hoặc theo từng đợt giảm giá của các đối tác, Hotdeal hiện đang phục vụ hơn 3,1 triệu lượt khách hàng mỗi tháng và lượng thành viên khoảng 2,5 triệu người. Ngoài ngành kinh doanh chính là thương mại điện tử, hiện tại Hotdeal cũng đang vận hành một trang web chuyên về du lịch là yesgo.vn.
Về phía Transcosmos, với việc liên tục mua lại cổ phần của nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử lớn, công ty ra đời năm 1966 này đã xuất hiện tại 34 quốc gia trên toàn thế giới, tập trung chủ yếu tại châu Á. Hiện doanh nghiệp này hoạt động trong 4 mảng chính gồm: Dịch vụ thuê ngoài cho doanh nghiệp, tiếp thị số, trung tâm chăm sóc khách hàng và thương mại điện tử One-Stop. Trong năm tài chính 2014-2015, Transcosmos có doanh thu 1,68 tỷ USD, lợi nhuận 62 triệu USD.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp