VinEcom là dự án được coi là sự thay đổi chiến lược hoạt động của tập đoàn Vingroup trong tương lai. Cuối cùng thì dự án thương mại điện tử đình đám của Vingroup cũng đã ra mắt vào một ngày khá ngạc nhiên: đầu tháng 7 âm lịch.
Mặc dù mới chỉ là bản beta với những giới hạn về khu vực (mới chỉ có ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh), ngay lập tức adayroi.com đã gây được sự xôn xao.
Mục lục bài viết
Sự trễ hẹn được chờ đợi
Với bất cứ dự án nào của Vingroup, chẳng khó hiểu khi ngay lập tức thu hút sự quan tâm và chiếm lĩnh được thị phần, cho dù đó là Vinmec, Vinschool, Vinmart hay mới đây là Vinpro. Đặc biệt là với VinEcom, dự án được coi là sự thay đổi chiến lược hoạt động của tập đoàn trong tương lai.
Cũng từ VinEcom, thị trường mới được rõ sự chịu chi của Vingroup, khi không tiếc tiền mời những cao thủ trong ngành thương mại điện tử, nhiều người từ chính các đối thủ cạnh tranh.
Đáng lý ra dự án đã ra mắt sản phẩm từ đầu năm nay, nhưng một lần nữa sự thay đổi ở bộ máy lãnh đạo đã cho thấy VinEcom có những rắc rối ở kiến trúc bên trong mà người ngoài không thể biết.
Sự trễ hẹn nửa năm không phải là điều kinh khủng, nhưng đây không phải là lần đầu VinEcom phải dời ngày ra mắt, nó cũng khiến thị trường mất đi sự hào hứng và quan tâm tới một sản phẩm có thể làm thay đổi cục diện thị trường thương mại điện tử Việt Nam mà Lazada đang là người dẫn đầu.
Vậy Adayroi có gì?
Trước hết về business model, Adayroi khác với Lazada, Sendo hay Chotot, họ là B2B2C. Tham vọng của Adayroi sẽ là kiểu Alibaba của Việt Nam, một platform cho các nhà phân phối tiếp cận tới khách hàng trực tiếp. Adayroi cũng khác, khi họ không cần kho tổng chứa hàng, và tự xây mảng logistic mà không cần qua đơn vị vận chuyển trung gian. Do đó, mảng quản trị danh mục hàng hoá có lẽ là phần khủng hoảng nhất. Trên trang Adayroi có từ đồ điện tử, điện thoại cho tới voucher combo ăn trưa, ngoài ra còn tích hợp với Vinmart ở đồ thực phẩm như hoa quả tươi và rau sạch.
Một hạn chế lớn của VinEcom ngay từ khi ra đời đã được thừa nhận là họ đặt văn phòng chính ở Hà Nội, trong khi thị trường Hồ Chí Minh mới luôn là mảnh đất màu mỡ khai phá đầu tiên của bất kỳ thương hiệu nào. Mặc dù bản beta đầu tiên dành cho cả 2 thị trường, nhưng rõ ràng tiếp cận ban đầu ở thị trường Hồ Chí Minh vẫn dễ dàng hơn nhiều thị trường phía Bắc, nơi mua hàng online vẫn chưa trở thành một thói quen.
Một hạn chế nữa là với danh mục hàng hoá quá rộng, sẽ không có một định hình rõ ràng trong tâm trí người tiêu dùng khi nhắc tới Adayroi, đó có thể là một cửa hàng vừa bán bao cao su online, vừa bán phiếu nghỉ dưỡng du lịch, tóm lại, Adayroi có thể cạnh tranh với Muachung, Tiki, Lazada, Vatgia… cùng một lúc.
Cuộc chiến marketing
Với một sản phẩm thương mại điện tử mới ra đời, câu chuyện sẽ luôn là: Hiện diện và phủ sóng (cả online và offline), mua user (đăng ký để nhận ưu đãi, voucher khi giới thiệu bạn bè…), cho trải nghiệm (giảm giá khủng đơn hàng đầu tiên, tặng voucher cho user đã đăng ký…), kích thích mua sắm (giảm giá giờ vàng, khuyến mãi gây shock…), biến thành khách hàng thân thiết (thẻ khách hàng, quà tặng…).
Lazada khi vào Việt Nam đã tốn tiền tấn để chiếm được thị phần như bây giờ, VinEcom với một tập hợp các “cao thủ võ lâm” trong giới marketing chắc sẽ có chiêu thú vị.
Cuộc chiến của VinEcom với phần còn lại của thị trường là rất đáng chờ đợi, nhưng từ bây giờ, có lẽ họ nên chú ý từ tên domain, khi mới chỉ chắc khoảng 3 tên miền quan trọng, trong khi PA Việt Nam đang nắm giữ những cái đuôi dễ gây nhầm lẫn khác là adayroi.vn, adayroi.com.vn, adayroi.net.vn.
(Bài viết là quan điểm cá nhân của tác giả)
Nguyên Linh/Theo Trí Thức Trẻ