Có thể nói Việt Nam có nền tảng mạnh cho “thâm dụng” tiếp thị số: top 3 đối với khu vực ASEAN, top 10 Á châu, hạng 18 thế giới về số người sử dụng internet (khoảng 34 triệu người), top 10 quốc gia “nghiện” Facebook. Nhưng hình như doanh nghiệp vừa và nhỏ (MSE) chưa chú ý tối đa hoá hiệu quả tiếp thị qua mạng.
Có lượng rồi nhưng cần chất hơn
Bạn của người viết – anh T. vốn là một quản lý lâu năm của một tập đoàn hàng tiêu dùng nhanh, anh có bà xã – chị H. cũng là nhân sự cấp cao của tập đoàn lớn của Mỹ về may mặc. Đầu năm đến thăm nhà anh T.– một căn hộ ở khu Phú Mỹ Hưng, tôi khá ngạc nhiên khi thấy gian bếp bỗng trở thành “phân xưởng” làm bánh với “khuôn bọng”, máy đánh trứng, bột, trứng và ngạt ngào mùi bánh mới ra lò. Thì ra, lúc đầu chia sẻ hình ảnh giảm stress bằng cách làm bánh qua Facebook, lại được bạn bè thích thú đặt hàng tới tấp, chỉ một thời gian ngắn, “doanh số” từ nhóm bạn Facebook tăng vùn vụt lên đến ngót 20 triệu đồng/tháng… Vô tình, chị H. đã áp dụng tiếp thị – truyền thông qua mạng. Nhiều mặt hàng khác cũng kiếm được nhiều khách như thời trang – giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm, phụ kiện smartphone, trang sức, địa ốc, dịch vụ tài chính, dạy làm bánh… trên blog, Facebook và YouTube.
Còn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa thì sao? Theo nhiều thống kê gần đây cho thấy hơn 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có website, nghĩa là có nền tảng căn bản nhất cho việc áp dụng tiếp thị số. Tuy vậy, về chất lượng, chỉ có khoảng 34% trong số đó có xây dựng chiến lược/kế hoạch và áp dụng hình thức tiếp thị số hướng tới hiệu quả kinh doanh. Có thể tạm phân mức độ áp dụng tiếp thị số hiện nay thành: mức 0 có mạng, web, hoàn toàn không xuất hiện trên internet.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên nâng cấp hoạt động tiếp thị số, vì thực sự không có rào cản đáng kể nào so với lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp từ loại hình tiếp thị này.
- Mức 1, chưa có website riêng nhưng có giới thiệu thương hiệu, sản phẩm, hay thông tin căn bản của doanh nghiệp trên một website hay cổng thông tin chung.
- Mức 2, có website riêng nhưng công dụng như catalogue, không tương tác với người dùng.
- Mức 3, có tương tác đơn giản như email, đáp ứng các tìm hiểu về thông tin sản phẩm, giá cả, tuyển dụng.
- Mức 4, có những chức năng đa dạng như bán hàng trực tuyến (e-commerce), tương tác trực tuyến trong khâu dịch vụ khách hàng (customer service).
- Mức 5, website thoả mãn mọi yêu cầu tương tác về tiếp thị, thương mại. Ta thấy hiện nay số lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đang ở từ mức 1 đến mức 3. Điều mới là nhờ sự tiến triển quá nhanh, toàn diện của mạng xã hội, sự năng động của thế hệ “Facebook” mà từ khoảng ba, bốn năm nay, nhiều cá nhân/nhóm nhỏ đã tiến thẳng vào mức 4, mức 5 mà không cần qua mức 1, 2, 3. Bên cạnh đó, nhiều công ty trẻ và đặc biệt các công ty chuyên e-commerce (đa số trong lĩnh vực phân phối – bán lẻ – dịch vụ) đạt nhanh mức 4, 5.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên nâng cấp hoạt động tiếp thị số, vì thực sự không có rào cản đáng kể nào so với lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp từ loại hình tiếp thị này.
Hãy tìm hiểu và tối ưu hoá các ứng dụng tiếp thị số
Ngày 2.7.2015, tại càphê Trung Nguyên 19B Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) có buổi thuyết trình rất thú vị, GS Bùi Xuân Tùng – giám đốc chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh cao cấp Việt Nam của trường kinh doanh Shidler và giám đốc trung tâm Nghiên cứu APEC của ĐH Hawaii, Hoa Kỳ. Thông qua phân tích nguyên nhân thành công mau chóng của Urber trên toàn cầu, GS Tùng cho biết hình thái nền kinh tế cộng tác/chia sẻ (collaborative/sharing economy) đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu trong lĩnh vực taxi, nấu bữa tối, giặt ủi, bác sĩ gia đình, dọn dẹp nhà cửa… xu hướng “kinh tế cộng tác/chia sẻ” dựa trên ba cột trụ chính yếu cộng hưởng: một là giá rẻ hơn do giảm thiểu chi phí trung gian nhờ áp dụng tương tác trực tuyến, tiến bộ công nghệ GPS, internet; hai là sự hài lòng của đôi bên nhờ sự linh hoạt – tường minh – cá nhân hoá sản phẩm dịch vụ; và ba là sự đa dạng của dịch vụ cung ứng.
Biết rõ xu hướng kinh tế cộng tác – chia sẻ là trực tuyến – rẻ hơn – hài lòng – năng động, thiết tưởng doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có thể nhanh chóng nâng cấp, tối ưu hoá hoạt động tiếp thị qua mạng, phối hợp thương mại điện tử để tăng hiệu quả xây dựng thương hiệu, tập hợp khách hàng mục tiêu, đồng thời thiết lập kênh cộng tác – chia sẻ trực tiếp với từng người tiêu dùng, hình thành cộng đồng hậu thuẫn doanh nghiệp. Chưa kể phải có đối sách trước thay đổi nhanh chóng công nghệ thông tin, đối thủ xâm nhập bằng “vũ khí” kỹ thuật số (digital) làm ảnh hưởng lớn đến doanh số, thị phần thực sự của doanh nghiệp. Vậy tiếp thị số cũng là phòng tuyến phòng vệ cạnh tranh trước sự xâm lăng của những tay chơi mới.
Nhiều ứng dụng mới: quản trị tối ưu hoá các website đa chức nhiệm; áp dụng tiếp thị truyền thông xã hội, bằng mobile, bằng tối ưu hoá công cụ tìm kiếm (SEO) hay tiếp thị bằng công cụ tìm kiếm (SEM)… cần đưa vào hoạt động, vì giúp doanh nghiệp gia tăng năng lực của doanh nghiệp trên ba phương diện: thương mại tăng trưởng, phát triển cộng đồng, và đón đầu xu hướng mới.
Nguyễn Nguyên/Theo TGTT