Với tốc độ cứ khoảng bốn năm doanh thu tăng lên gấp đôi, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) toàn cầu đang ngày càng lớn mạnh về quy mô và mức độ phủ rộng. Mua hàng trên Internet là xu hướng tất yếu, thậm chí phương thức mua bán này được dự báo sẽ diễn ra tự nhiên y như cách mua hàng truyền thống.
Mục lục bài viết
TMĐT – nguồn lực tăng trưởng chính và nhanh nhất
Theo eMarketer.com, năm 2012 doanh thu TMĐT toàn cầu đạt 1.058 tỉ đô la Mỹ; năm 2013 đạt 1.251 tỉ đô la; năm 2014 đạt 1.505 tỉ đô la; ước báo năm 2015 đạt 1.771 tỉ đô la, năm 2016 vào khoảng 2.053 tỉ đô la và năm 2017 là 2.357 tỉ đô la. Các số liệu này cho thấy doanh thu TMĐT thế giới tăng lên gấp đôi sau bốn năm, cũng là mức tăng trưởng nhanh nhất của nền kinh tế. Mô hình TMĐT đang được tận dụng rất tốt ở các nước đang phát triển trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Bắc Mỹ, Tây Âu.
Trong 10 công ty Internet có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới hiện nay thì có đến 5 công ty thuộc lĩnh vực TMĐT, gồm: Alibaba, Amazon, Ebay, Tencent, Priceline. TMĐT được khẳng định thêm sức mạnh từ đợt chào bán số cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Công ty Alibaba hồi tháng 9 – 2014. Sau giao dịch đầu tiên, giá trị thị trường của Alibaba tăng lên 23 tỉ đô la, là thương vụ IPO đạt kỷ lục lớn nhất trong lịch sử chứng khoáng Hoa Kỳ, vượt qua cả mạng xã hội đình đám Facebook. cao hơn cả hai trang bán hàng trực tuyến Amazon và Ebay. Alibaba là trang bán hàng trực tuyến theo mô hình B2B (doanh nghiệp đến doanh nghiệp), tuy nhiên công ty còn điều hành một vài nhà cung cấp nhiều dịch vụ khác, trong đó, mang về doanh thu chủ yếu cho Alibaba là hai trang bán hàng trực tuyến Taobao và Tmall dành cho chính người dân nước này với hơn 300 triệu khách hàng.
Một trong những nguyên nhân khiến hai hãng bán lẻ Home Depot và BestBuy rút khỏi thị trường Trung Quốc, và nay là nhà bán lẻ khổng lồ WalMart đang mất dần ưu thế tại đây được xác định là do sự trỗi dậy của TMĐT. Một khảo sát khác cho biết 75% người mua hàng trực tuyến ở Trung Quốc nói họ thích mua trực tuyến hơn mua sắm ở các cửa hàng truyền thống.
Ở Việt Nam, doanh thu TMĐT tăng gấp đôi chỉ sau hai năm
Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra khảo sát năm 2014 của Cục TMĐT và CNTT, giá trị mua hàng trực tuyến của một người trong năm ước tính đạt khoảng 145 đô la Mỹ và doanh số từ TMĐT đạt khoảng 2.97 tỉ đô la, chiếm 2,12% tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước. Nếu năm 2013 tổng giá trị giao dịch TMĐT VN là 2 tỉ đô la thì năm 2015 được dự kiến sẽ lên tới 4 tỉ đô la. Như vậy, thay vì phải tới 4 năm để doanh số tăng trưởng gấp đôi theo tình hình chung của toàn cầu thị thị trường VN chỉ mất 2 năm.
TMĐT VN tính đến nay có thể chia thành 3 giai đoạn”
- Giai đoạn 1: 2005-2009, là thời kỳ đầu phát triển với những cái tên như Vatgia, 123mua…
- Giai đoạn 2: 2010-2012, là sự bùng lên của trào lưu mua hàng theo nhóm với hơn 200 công ty mua theo nhóm ra đời. Trào lưu này đã làm nên tảng vững chắc cho TMĐT VN phát triển.
- Giai đoạn 3: từ 2012 đến nay, chuyển sang giai đoạn này bằng những giao dịch thật, chọn hàng, mua hàng và thanh toán. Thị trường trở nên mạnh mẽ còn nhờ có sự góp sức của đội ngũ vận chuyển như VNPost, Giao hàng nhanh,…
Những công ty này tạo ra một nguồn thu, làm sức đỡ cho DN với thông tin rõ ràng về người mua. Không những mở rộng đa dạng về loại hình, dịch vụ và quy mô, thị trường TMĐT VN thời gian gần đây còn là điểm đến hấp dẫn của các nguồn đầu tư trong nước và quốc tế.
Có thể thấy trên các trang web TMĐT có sự hiện diện của hầu hết mọi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh. “Mua hàng qua mạng không chỉ mang lại sự tiện lợi cho khách hàng mà với công nghệ phân tích các dữ liệu lớn ngày nay, việc bán hàng qua mạng còn giúp DN có thể biết chính xác hiệu quả của sự đầu tư. Vì vậy, các DN VN đang rất mạnh dạn đầu tư vào TMĐT, trực tiếp hoặc gián tiếp”, ông Trần Hải Linh, GĐ sàn TMĐT Sendo nói.
Công cụ quảng cáo cũng thông minh đến mức giả sử khi bạn click vào một món sản phẩm trên một trang bán hàng bất kỳ, bảo đảm rằng ngay lập tức hình ảnh sản phẩm đó sẽ hiển thị trên màn hình khi bạn check mail, lướt Internet để đọc báo hay vào trang mạng xã hội. Những sản phẩm quảng cáo sẽ hiển thị trước mắt bạn ít nhất là trong một tuần nhằm nhắc nhở cho đến khi bạn quyết định mua nó.
Bên cạnh những sàn giao dịch TMĐT chuyên biệt thì những siêu thi, cửa hàng ngoại tuyến giờ cũng đã mạnh dạn đầu tư vào TMĐT, như hệ thống siêu thị Thế Giới Di Động, Viễn Thông A,…và đặc biệt là kế hoạch đầu tư 1.000 tỉ đồng xây dựng trang bán hàng trực tuyến VinEcom của tập đoàn Vingroup.
Giải thích vấn đề này, ông Trần Nhật Linh, GĐ kênh bán hàng phi truyền thông TGDĐ, cho rằng việc người dùng lên mạng mua hàng là xu hướng tất yếu, song với những sản phẩm có giá trị lớn hoặc những sản phẩm đòi hỏi sự trải nghiệm thì tỷ lệ người mua ngay thông qua kênh trực tuyến còn thấp. Khách hàng có thể tham khảo thông tin sản phẩm qua kênh trực tuyến nhưng quyết định mua hàng là ở tại cửa hàng. Những đơn vị như TGDĐ đang có lợi thế khi xây dựng được một trang web thu hút nhiều người truy cập và có hơn 430 cửa hàng trên toàn quốc. Việc này tạo lực cộng hưởng mạnh mẽ cho cả trực tuyến lẫn ngoại tuyến. Các DN bán lẻ truyền thống hoàn toàn có thể tận dụng sức mạnh của trực tuyến để đạt mục tiêu tăng trưởng hiệu quả hơn.
TMĐT càng thêm sắc màu trước trào lưu người người bán hàng qua mạng, nhà nhà mua hàng qua mạng trên các trang MXH. Chỉ cần một cú click, người dùng ngày nay dễ dàng đặt mua cho mình những vật dụng, đồ thời trang, tour du lịch, món ăn…và được mang đến tận nhà. Sự chuyển hướng tích cực của TMĐT VN gần đây còn được ghi nhận khi một số DN, thương hiệu quyết định chọn kênh bán hàng trực tuyến làm nhà phân phối độc quyền cho sản phẩm của mình. Điển hình là mô hình sinh thái thương mại điện tử mà Lazada đã và đang xây dựng khi hợp tác với ba bên: nhà sản xuât (Lenovo, Xiaomi, Alcatel để phân phối độc quyền điện thoại); và đơn vị cung cấp dịch vụ (HSBC, ACB,…)
Trước xu thế hàng hóa tìm kiếm người tiêu dùng và sự bùng nổ của các thị trường ngách, dự báo việc mua hàng trực tuyến sẽ trở nên phổ biến với người Việt. Đây không còn là điều quá viễn vông mà chỉ là nhanh hay chậm, tùy vào sự thích nghi và linh hoạt của DN trong cách đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Theo TBKTSG