Bạn hiểu làm planning là làm gì? Làm như thế nào?

planning

Tôi đã hỏi câu này cách đây 6 năm khi tôi chuyển từ vị trí account sang planning. Thời đó, công ty quảng cáo mà tôi đang làm account, bộ phận planning là bộ phận khá buồn tẻ. Họ chủ yếu làm nghiên cứu thị trường, làm competitor review, làm các báo cáo về xu hướng thị trường…

Sau đó, khi chuyển sang làm planning cho một công ty quảng cáo khác, nơi mà planning được xem là bộ phận quan trọng, tôi nhận ra đây là một công việc thú vị. Nó kết nối mọi thứ lại với nhau. Nó kết nối quảng cáo với người tiêu dùng. Nó kết nối sáng tạo với chiến lược. Nó giúp kết nối truyền thông với tính hiệu quả. Nó giúp bán được ý tưởng. Nó giúp phòng sáng tạo “muốn” sáng tạo.

Nhưng không phải ai cũng thấy được sự thú vị đó.

Làm planning, không giống làm kế toán khi mà nôị dung công việc đã được tiêu chuẩn hóa. Làm planning là làm những gì tùy thuộc rất nhiều vào năng lực bản thân, đặc thù dự án và cả sự chấp nhận của những bộ phận liên quan.

Tôi gặp rất nhiều bạn đã có thời gian làm planning tại công ty quảng cáo rồi cuối cùng cũng ra đi. Có nhiều người vì muốn theo sự nghiệp khác, nhưng đa phần là agency của họ, vai trò của phòng planning và công việc planning không thú vị và được coi trọng. Đó là điều đáng tiếc.

làm planning

Bạn cần một môi trường đúng để thấy hết sự thú vị của công việc này.

Nếu như những điều sau đây khiến bạn thích thú, thì planning tại một công ty quảng cáo có thể là sự nghiệp của bạn:

  1. Giải quyết một vấn đề kinh doanh. Tự hỏi vì sao thương hiệu này không thể phát triển được như mong muốn và tìm ra giải pháp cho nó.
  2. Thấu hiểu bản chất của truyền thông. Biết được quảng cáo có khả năng làm được gì và ảnh hưởng của nó đến hành vi người tiêu dùng như thế nào. Biết được những tiềm năng và hạn chế của quảng cáo digital.
  3. Thấu hiểu bản chất con người. Để giải quyết được vấn đề kinh doanh, bạn cần hiểu bản chất con người: điều gì làm họ hạnh phúc, động lực của họ, họ làm gì, nghĩ gì, cảm nhận gì…
  4. Sáng tạo ra giá trị. Giải quyết vấn đề kinh doanh đâu chỉ là mẫu quảng cáo. Bạn được quyền sáng tạo ra bất cứ thứ gì bạn muốn: dịch vụ mới, sản phẩm mới, bao bì mới, cách phân phối mới…
  5. Cảm nhận ý tưởng sáng tạo. Bạn là người được nghe rất nhiều ý tưởng sáng tạo từ phòng sáng tạo. Và đó là niềm vui lớn nhất mà bạn có được. Không phải công việc nào cũng có đặc quyền này
  6. Thuyết phục người khác (không nhất thiết phải bằng một file ppt đẹp lung linh). Bạn phải làm cho phòng sáng taọ và khách hàng tin vào những suy nghĩ và định hướng của bạn.
  7. Tìm hiểu thế giới xung quanh. Bạn có 2 ngày để hiểu về xu hướng mới của một ngành hàng nào đó. Và hãy vui vì bạn được trả tiền để có thêm những kiến thức đó.

Một trong những điều mà tôi cảm thấy tự hào nhất về mình đó chính là tôi đã truyền được niềm vui và cảm hứng công việc cho những bạn cảm thấy chán với công việc này thông qua những buổi chia sẻ của mình tại AIM, và cho cả những bạn chưa biết gì về công việc này.

Và nếu bạn đang cảm thấy không vui với công việc hiện tại, biết đâu làm strategic planner trong một công ty quảng cáo là công việc dành cho bạn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *