Học cách đèn Rạng Đông thoát khỏi bờ vực phá sản?

đèn rạng đông

Từ bờ vực phá sản, phải cho 1.600 công nhân nghỉ việc, công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã lọt Top 50 công ty niêm yết tốt nhất của Forbes Việt Nam.
CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông tiền thân là nhà máy Bóng đèn phích nước Rạng Đông được xây dựng năm 1958. Đây là một trong 13 nhà máy đầu tiên được thành lập theo quyết định của Chính phủ.

Những năm 60s-80s của thế kỷ trước, người tiêu dùng, đặc biệt là ở các tỉnh miền Bắc, không xa lạ gì với phích nước, bóng đèn tròn, bóng đèn huỳnh quang, đèn pha ô tô (phục vụ kháng chiến) của thương hiệu này.

Sau gần 6 thập kỉ phát triển, Rạng Đông hiện sở hữu mạng lưới hơn 7.000 cửa hàng phân phối, và đứng thứ 402 trong 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.

Tuy nhiên ít ai biết, đã từng có thời điểm thương hiệu Rạng Đông cũng mấp mé bờ vực phá sản. Vì sao một công ty quốc doanh đứng bên bờ vực phá sản có thể chuyển mình như vậy?

Trước năm 1988 là thời kì vàng kim của Rạng Đông. Từ bóng đèn, phích nước phục vụ người dân đến đèn pha ô tô cung ứng cho kháng chiến đều được tiêu thụ rất tốt.

Tuy nhiên, sau khi Việt Nam mở cửa thị trường, khoảng năm 1988, làn sóng hàng ngoại ồ ạt tràn vào đã khiến Rạng Đông loay hoay gặp khó với bài toán cạnh tranh. Bóng đèn, phích nước của doanh nghiệp không cạnh tranh được với các hàng giá rẻ từ Trung Quốc. Rạng Đông mất dần thị trường. Trong khi đó, một mặt hàng chủ lực là đèn pha ô tô vốn sản xuất để phục vụ cho kháng chiến nay cũng không còn “đất dụng võ”.

Công ty liên tục làm ăn thua lỗ, có thời điểm phải cho 1.600 công nhân nghỉ việc 6 tháng. Năm 1990, tài khoản tại ngân hàng của công ty bị phong tỏa, tài chính liên tục gặp khó khăn, hàng nghìn công nhân không có việc làm, nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng.

Theo Tổng giám đốc Nguyễn Đoàn Thăng, để vượt qua giai đoạn đó Rạng Đông đã làm được hai việc quan trọng, đó là: cải tiến dây chuyền sản xuất và đầu tư phát triển năng lực công nghệ.

Năm 1991, sau khi tài khoản ngân hàng bị phong tỏa, công ty đã tổ chức lại sản xuất, sắp xếp lại lao động, thực hiện hạch toán nội bộ, tinh giản bộ máy và thay đổi cơ chế điều hành.

Từ năm 1993, công ty dần thay thế các dây chuyền cũ thủ công bằng dây chuyền tự động hóa để nâng cao năng xuất như dây chuyền huỳnh quang hiện đại, lò thủy tinh Hungary, máy thổi bóng P25, dây chuyền ruột phích mới và dây chuyền sản xuất đầu đèn huỳnh quang Hàn Quốc…

Dây chuyền sản xuất mới, bộ máy nhân sự được điều chỉnh đã giúp cho Rạng Đông nhanh chóng lấy lại được thị phần và làm ăn có lãi trở lại.

Từ chỗ kinh doanh thua lỗ, năm 2000, Rạng Đông đánh dấu mức doanh thu 203,3 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 12 tỷ đồng. Năm 2006, công ty tiến hành xây dựng cơ sở 2 tại KCN Quế Võ, Bắc Ninh.

Đứng trước sự cạnh tranh không ngừng của các mặt hàng mới, các dòng sản phẩm chủ lực như bóng đèn dây tóc nhanh chóng trở nên lỗi thời và bị cho ngừng sản xuất, Rạng Đông đã thành lập Trung tâm R&D chiếu sáng Rạng Đông (LRDC RAL) tập hợp hơn 60 nhà khoa học và kỹ sư về nguồn sáng và thiết bị chiếu sáng ở Việt Nam. LRDC RAL tập trung phát triển nghiên cứu các công nghệ quan trọng như nguồn sáng led, cao áp (HID) thế hệ mới, các bộ sản phẩm chuyên dụng mũi nhọn trên thị trường như compact, huỳnh quang.

Năm 2014, công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông đạt doanh thu 2.806 tỷ đồng, lợi nhuận đạt mức 88,34 tỷ đồng. Mức thu nhập bình quân của gần 3.000 công nhân viên hiện đạt mức xấp xỉ 10 triệu đồng/người.

Theo nghiên cứu về thị trường bóng đèn hiện nay ở Việt Nam của Nielsen, ba cái tên đang chiếm lĩnh thị trường là Điện Quang, Rạng Đông và Philips với các dòng sản phẩm thông dụng nhất là huỳnh quang và compact.

Theo đó, năm 2013, Điện Quang hiện là công ty có thị phần lớn nhất, ước chiếm 40%, Rạng Đông chiếm 25% và Philips nắm giữ khoảng 15% thị phần.

Điện Quang tập trung mạnh vào xuất khẩu khi nắm giữ nhiều hợp đồng với các thị trường châu Mỹ La Tinh, Trung Á, Nam Á – cơ cấu doanh thu xuất khẩu chiếm khoảng 45% (năm 2013, doanh thu xuất khẩu bóng đèn của Điện Quang đạt hơn 300 tỷ đồng – số liệu từ báo cáo của Neilsen Việt Nam).

Trong khi đó, Rạng Đông có xu hướng tập trung ở thị trường nội địa khi doanh thu từ hoạt động xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 15%. Tuy nhiên, ngoài mảng thiết bị chiếu sáng, mặt hàng phích nước vẫn đem lại nguồn thu rất lớn cho công ty, giúp duy trì doanh thu trên 1.000 tỷ đồng kể từ năm 2009 (tới năm 2014, Điện Quang mới đạt mốc doanh thu 1.000 tỷ đồng).

Tuy nhiên, trong năm 2013, tăng trưởng doanh thu của Rạng Đông đã có sự chững lại, còn khoảng 12%, giảm so với mức tăng 17,5% của năm 2012 và 28% của năm 2011.

2 năm trở lại đây (2013 – 2014), lợi nhuận Điện Quang đã được cải thiện đáng kể và tỏ ra vượt trội so với Rạng Đông. Doanh thu từ các kênh bán hàng cả truyền thống lẫn hiện đại đều tăng nhờ xuất khẩu và các sản phẩm mới.

Vấn đề của Rạng Đông lúc này là: Doanh thu cao không đồng nghĩa với lợi nhuận. Trong khi doanh thu thường cao gấp đôi, gấp ba Điện Quang thì lợi nhuận của Rạng Đông 2 năm 2013-2014 lại thấp hơn khá nhiều.

Và để trở lại vị trí số 1, đội ngũ của Rạng Đông vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Theo Trí thức trẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *