Bán lẻ điện máy lại bắt đầu vào cuộc đua mở siêu thị mới. Tuy nhiên, theo các DN, cuộc đua mở điểm lần này sẽ quyết định tất cả. Vẫn chưa có DN nào chiếm thị phần tuyệt đối, do đó ai nhanh hơn sẽ chiến thắng.
Lại chạy đua mở siêu thị mới
Điện máy Xanh, Trần Anh và Vinpro là ba cái tên đang làm sôi sục thị trường điện máy, khiến nhiều DN khác “đứng ngồi không yên”.
Đó là vì, trong bối cảnh khó khăn chồng chất, các DN này lại liên tục mở siêu thị điện máy mới, trên khắp cả nước.
Cụ thể, đầu tháng 9/2015, Điện máy Xanh đã khai trương siêu thị điện máy thứ 37 tại Cần Thơ và tiết lộ sẽ hoàn thành mục tiêu mở 70 siêu thị trong năm nay. Xu hướng phát triển mà DN này theo đuổi, là chuỗi siêu thị quy mô nhỏ, có diện tích từ 600-1.000 m2, nằm tại các ngã 4 đông người. VinPro thuộc Tập đoàn Vingroup tuyên bố sẽ mở 25 trung tâm điện máy trong năm 2015, kèm với đó là 100 cửa hàng công nghệ Vinpro+. Đến nay DN bán lẻ này đã khai trương được 10 trung tâm điện máy và 45 cửa hàng công nghệ.
Điện máy Trần Anh cũng tuyên bố mở thêm 7 siêu thị mới trong quý IV năm nay. Kế hoạch phủ điểm này đã được Trần Anh và đối tác Nojima (Nhật Bản) xây dựng từ đầu năm.
Khác với thương hiệu Điện máy Xanh, có quy mô nhỏ thì thương hiệu Trần Anh mở các siêu thị với quy mô lớn, từ 3.500-6.000 m2. Các siêu thị này có khu rửa xe miễn phí cho khách hàng, khu vui chơi cho trẻ em. Mô hình Trần Anh hướng tới là siêu thị “mẹ-con”, trong đó, siêu thị lớn là “mẹ”, từ đây sẽ có hàng loạt các “con” là những xe bán hàng lưu động, hàng ngày về tản về khắp các huyện, xã, để tiếp cận khách hàng, cạnh tranh với mô hình của Điện máy Xanh.
Theo các DN, tại địa phương, việc tìm kiếm địa điểm bán hàng hiện nay rất dễ dàng. Chi phí thuê mặt bằng xây dựng thấp, giúp cho chi phí đầu tư giảm. Hiện nay, chi phí ban đầu (không tính chi phí vận hành) mở một siêu thị mới tại các địa phương chỉ từ 1-8 tỷ đồng (tùy quy mô), thấp hơn rất nhiều so với trước kia. Nhờ đó, DN dễ dàng mở thêm nhiều siêu thị mới. Việc mở rộng quy mô với chi phí đầu tư giảm, cũng chính là một cơ hội rất tốt mà các DN muốn tận dụng.
Không những thế, thị trường bán lẻ điện máy đã hồi phục, với mức tăng trưởng trên 10%/năm và dự báo có thể đạt quy mô 10 tỷ USD vào năm 2016. Đấy chính là lý do cần phải mở siêu thị “thần tốc”, để tăng độ bao phủ, chiếm thị phần, quảng bá thương hiệu và tăng doanh số bán.
Như vậy “cuộc đua” mở siêu thị mới lại bắt đầu. Thời gian tới, không chỉ có ba tên nêu trên, nhiều DN bán lẻ điện máy khác cũng sẽ tham gia và đang lên kế hoạch cạnh tranh của riêng mình.
Nhanh hơn sẽ thắng?
Tuy nhiên, cũng có DN cho biết sẽ không tham gia vào “cuộc đua” mở siêu thị điện máy ồ ạt. Ông Trịnh Đức Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Pico, cho biết, năm 2016 Pico sẽ mở thêm siêu thị điện máy mới, nhưng không tham gia vào “cuộc đua” nói trên. Doanh nghiệp này chỉ mở thêm siêu thị mới khi đảm bảo chắc chắn kinh doanh có hiệu quả.
Ông Tuấn phân tích, để mở một siêu thị mới, ngoài vấn đề tài chính, còn rất nhiều các yếu tố khác. Trước hết là nguồn nhân lực. Các nhân viên phải đảm bảo được đào tạo bài bản, đáp ứng được đòi hỏi của công việc. Cùng với đó là hoạt động quản trị, phải đảm bảo nắm bắt, theo kịp với sự phát triển. Quan trọng hơn nữa là dịch vụ hậu cần, chăm sóc khách hàng phải chuyên nghiệp.
Với số lượng siêu thị mở ra nhiều, trên địa bàn rộng khắp cả nước, trong thời gian ngắn, thì việc tuyển chọn đào tạo nhân viên cũng như xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nâng cao năng quản lý, vận tải, chăm sóc khách hàng hoàn toàn không dễ dàng với các DN bán lẻ hiện nay. Nếu làm không tốt, khó có thể tạo dựng uy tín và mang lại thành công.
Kinh doanh bán lẻ điện máy đang tồn tại ba phương thức cạnh tranh cơ bản là giảm giá, khuyến mãi; đua mở siêu thị mới và cải thiện chất lượng dịch vụ. Nếu chỉ chú trọng vào đua mở siêu thị, hay giảm giá khuyến mãi, mà không quan tâm đến chất lượng phục vụ, sẽ không thể phát triển, ông Tuấn nói.
“Chạy đua” mở siêu thị mới đã khiến mật độ siêu thị điện máy trở nên dày đặc. Không chỉ ở Hà Nội, mà tại các địa phương, những trục đường, ngã tư chính nhiều nơi có tới 3-4 siêu thị. Ngoài chi phí cố định, thì chi phí vận hành mỗi siêu thị hàng tháng rất lớn, lên tới hàng tỷ đồng. Những DN phải sử dụng vốn vay nhiều khó tránh khỏi khó khăn.
Tuy nhiên, các DN cho rằng, “cuộc đua” mở điểm sẽ quyết định tất cả. Thị trường đang được phân chia khá đồng đều, chưa có DN nào chiếm thị phần tuyệt đối. Do đó cơ hội được chia đều cho các bên và làm cho “cuộc đua” thêm gay gắt trong thời gian tới.
Theo Tuổi trẻ