Ba chiến dịch quảng cáo du lịch xuất sắc của Thái Lan

chiến dịch quảng cáo truyền thông về du lịch thái lan

Thái Lan vẫn là quốc gia được khách du lịch yêu mến gọi bằng cái tên “Đất nước của nụ cười”. Du lịch Thái Lan có lẽ đã trở thành món ăn tinh thần của nhiều người trên thế giới, đồng thời Thái Lan cũng là một trong những điểm du lịch “Must – travel” của những người đam mê du lịch.

Du lịch Thái bắt đầu phát triển từ khá sớm, vào khoảng đầu thập niên 1960, khi mà những người lính Mỹ bắt đầu đến đây để “Nghỉ ngơi phục sức” trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Từ đó đến nay, ngành du lịch Thái Lan không ngừng phát triển với lượng du khách ngày càng tăng.

“Amazing Thailand” là slogan, cũng chính là thông điệp nhất quán mà du lịch Thái Lan gửi gắm đến du khách. Để có thể biến Thái Lan thành trung tâm du lịch của Đông Nam Á, Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) đã tiến hành nhiều chiến dịch truyền thông ấn tượng cả trong và ngoài ngành du lịch, góp phần thúc đẩy ngành du lịch của đất nước vốn rất tiềm năng này.

Điểm danh một số chiến dịch nổi bật:

1. Chiến dịch “Tôi ghét Thái Lan” (2014)

Một chiến dịch quảng bá du lịch Thái cực kì ấn tượng đã được Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) thực hiện năm 2014 mang tên “Tôi ghét Thái Lan” nhằm đem lại một cái nhìn mới mẻ về đất nước này.

Trong suốt chiến dịch, TAT cho sản xuất 01 video, đăng tải và lan truyền video đó dưới hình thức ẩn danh, điều này khiến công chúng ngỡ như đoạn video quảng cáo là của một cá nhân nào đó ghi lại.

Nội dung video nói về một du khách nước ngoài tên James đến Thái Lan du lịch lần đầu tiên và dự định ở lại đó một tuần. Mọi chuyện bắt đầu trở nên tồi tệ khi anh bị mất túi, trong đó có toàn bộ giấy tờ, điện thoại, tiền mặt… James bắt đầu trở nên bực tức, anh đi lang thang, chửi thề, và nói rằng anh ghét Thái Lan, tất cả những gì Thái Lan để lại cho anh lúc này chỉ là vài đồng xu lẻ. Thời khắc James như bế tắc ở Thái cũng là lúc anh nhận được sự giúp đỡ của người dân địa phương. Họ chia sẻ với anh đồ ăn, chỗ ngủ. Họ dẫn dắt anh tham gia vào những hoạt động văn hóa địa phương một cách rất tự nhiên và hiếu khách. Một ngày, họ tìm thấy túi của anh. Nó không bị đánh cắp bởi bất kì ai, một con khỉ đã đánh cắp nó. Chính tình cảm và sự tốt bụng của người dân Thái Lan đã khiến James cảm phục và yêu mến, anh quyết định ở lại Thái Lan thêm 2 năm nữa và nói rằng: “Đây là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất tôi ở lại Thái Lan”.

Chỉ trong 3 ngày đăng tải, video đã đạt 1 triệu lượt xem. Đây có thể được coi là một thành công bước đầu của chiến dịch.

Video “Tôi ghét Thái Lan”

Video được chia sẻ mạnh mẽ hơn khi thông tin được bật mí rằng video trông có vẻ cá nhân này thực tế là một ý tưởng của Tồng cục du lịch Thái Lan. Nhiều lời ngợi khen cho ý tưởng táo bạo và mới mẻ của một đơn vị nhà nước đã được cộng đồng mạng không tiếc lời dành tặng chính phủ Thái.

Khi thực hiện chiến dịch này, Thái Lan nhận thấy rằng hiện tại, thị trường du lịch của họ đang đứng dưới áp lực cạnh tranh lớn từ các nước lân cận trong khu vực. Du lịch Thái nhận thấy cần thiết khi nhắc nhở khách du lịch về những điều tuyệt vời đã khiến họ rơi vào tình yêu với Thái Lan. Ngoài các dịch vụ vượt bậc về y tế, khách sạn và những điểm đến ấn tượng thì chính lối sống và văn hóa của người Thái đã khiến những chuyến du lịch tại Thái Lan đáng nhớ hơn bao giờ hết.

Chiến dịch “Tôi ghét Thái Lan” đã khai thác góc cạnh là lối sống của người Thái để củng cố thêm những điều khiến Thái Lan trở nên đặc biệt. Đoạn video như một câu chuyện hài hước, duyên dáng, mang đậm tính giải trí với sự mở – kết hoàn toàn bất ngờ. Ý tưởng “I hate Thailand” cũng từng được sử dụng trong một video trước đó mang tên: “Đừng đến Thái Lan” (Never Go To Thailand) do một cá nhân đăng tải, đoạn video như một lời nhắc nhở đến du khách là: “Đừng bao giờ đến Thái Lan, chắc chắn bạn sẽ yêu đất nước này”.

Như bất kì đất nước nào khác trên thế giới, du khách luôn có những trải nghiệm tốt hoặc xấu ở nơi mà họ ghé thăm, Thái Lan cũng vậy. Vì vậy chẳng có lí do gì để không biến những ngày đầu “Hận thù” của bạn trở thành những chuỗi ngày đáng nhớ, khó quên. Ông Sugree Sithivanich, phó giám đốc truyền thông của TAT cho biết: “Chúng tôi muốn người xem theo dõi và chia sẻ video theo cách tự nhiên nhất, đó là lí do vì sao chúng tôi chọn hình thức ẩn danh. Đây là một phần của chiến dịch quốc gia Discover Thainess nhằm giới thiệu với du khách về sự tử tế của người dân địa phương và văn hóa của người Thái là những điều không thể tìm thấy ở những quốc gia khác”. Đúng như mong đợi, chiến dịch “I hate Thailand” đã thực sự đáp ứng được những kì vọng trên.

2. Chiến dịch “Thailand Extreme Makeover” (Lột xác cùng Thái Lan) (2014)

Đây là một chiến dịch khá lạ lẫm. Khác với nhiều quốc gia trên thế giới, Thái Lan đặc biệt phát triển ngành du lịch Y tế. Thái Lan nổi tiếng được biết đến với dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, cùng với Hàn Quốc thì Thái Lan cũng là một trung tâm của phẫu thuật thẩm mỹ tại Châu Á. Để quảng bá cho mảng du lịch độc đáo này, Tổng cục Du lịch Thái Lan đã khởi động chiến dịch online: “Thailand Extreme Makeover”.

Truy cập trang web chính thức của chiến dịch, du khách trên khắp thế giới sẽ được tham gia vào một chương trình truyền hình thực tế và ở đó, họ sẽ được tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ, thay đổi diện mạo. Bất kì ai quan tâm tham gia chiến dịch sẽ được mời gửi hình ảnh thực của họ, theo nhiều góc độ: chính diện, bên trái, bên phải, phía trên… Ứng viên cũng phải nộp hồ sơ sức khỏe cũng như lí do khiến họ tham gia chương trình.

Sau đó Ban giám khảo sẽ chọn ra 3 ứng viên may mắn được sang Thái, tận hưởng chuyến du lịch đồng thời sẽ ghi lại hành trình lột xác của họ. Những ứng viên này sẽ được “phẫu thuật thẩm mỹ” bởi những bác sĩ thẩm mỹ hàng đầu Thái Lan.

Toàn bộ quá trình quá trình thay đổi diện mạo của 3 du khách này đều được ghi hình và đăng tải lên website đặc biệt của chương trình. Khán giả qua đó sẽ chứng kiến sự thay đổi của họ, đưa ra những bình luận, chia sẻ hay bình chọn cho ứng viên mình yêu thích nhất để giành được những phần quà thú vị. Người chiến thắng là người được bình chọn nhiều nhất và giành được giải thưởng trị giá 5.000 USD cùng một tour du lịch trọn gói sang trọng tại Thái.

Theo như Tổng Cục trưởng TAT, chiến dịch cũng là một phần của tiến trình mà chính phủ thực hiện nhằm biến Thái Lan thành trung tâm y tế của Châu Á. Chiến dịch gián tiếp quảng bá cho dịch vụ y tế, thẩm mỹ của Thái, khẳng định về chất lượng trang thiết bị, kinh nghiệm và sự khéo léo, chuyên nghiệp của đội ngũ bác sĩ, đồng thời quảng bá cho các tour du lịch Thái, các dịch vụ khách sạn nổi tiếng phục vụ các ứng viên trong quá trình tham gia chiến dịch.

Chiến dịch đã tăng cường sức ảnh hưởng của du lịch Thái, chất lượng dịch vụ y tế của Thái và khẳng định du lịch y tế Thái Lan thực sự là một trải nghiệm an toàn, thú vị và khó quên.

3. Cuộc thi “One and Only” (Chiến dịch Discover Thainess) (2015)

Tiếp nối thành công khi quảng bá về lối sống và văn hóa của người Thái. Năm 2015, Tổng cục Du lịch Thái Lan tiếp tục khởi động cuộc thi “One and Only” (Một lần và Duy nhất) nhằm khám phá và đưa lại những trải nghiệm về tất cả những gì gọi là “Thainess”, nghĩa là những gì mang đậm chất Thái và chỉ có ở Thái Lan.

Tham gia cuộc thi, du khách sẽ được chọn 1 trong 5 hoạt động mang chủ đề “Discover Thainess”: Muay Thái, điệu nhảy truyền thống Thái, ẩm thực Thái, làm vòng hoa kiểu Thái và nói tiếng Thái. Video mẫu cho mỗi hoạt động sẽ được đăng tải lên trang web “Discover Thainess” để mọi người làm theo. Thái Lan khuyến khích những ứng viên tham gia nên là người đã biết sử dụng mạng xã hội một cách thường xuyên, có thể là Facebook, Twitter, Weibo hoặc Instagram…

Dễ thấy cách thức rất hiện đại và thời thượng của chiến dịch khi kênh trọng tâm được sử dụng là kênh truyền thông kỹ thuật số. Du lịch Thái Lan hiểu rõ vai trò của truyền thông kỹ thuật số trong sự thành bại của bất kì chiến dịch quảng bá nào. Mạng xã hội và những công cụ truyền thông online khiến mức độ phủ sóng của chiến dịch cao hơn rất nhiều, tốc độ lan truyền của nó rất nhanh và lượng người quan tâm vô cùng lớn. Mọi người háo hức chia sẻ những trải nghiệm của họ cũng chính là cách thức quảng bá vô cùng hữu hiệu cho nền du lịch Thái, đặc biệt đối với những nét văn hóa đặc trưng – “Thainess”.

Định hướng phát triển của du lịch Thái Lan

Từ những thành công của những chiến dịch truyền thông phát triển du lịch, Thái Lan vừa thông qua chương trình du lịch 2015 với chủ đề “Khám phá Thái Lan” nhằm tăng cường phát triển ngành công nghiệp tiềm năng này. Chương trình được triển khai thêm trên 12 tỉnh, đồng thời cũng nhằm mục tiêu hướng đến 37 thị trường du lịch mới của Thái, đặc biệt là ở châu Âu, châu Mỹ, Trung Đông. Thái Lan hiện nay đang chú trọng xây dựng du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cuối tuần và điểm đến của những kì nghỉ trăng mật.

Việc ASEAN trở thành một cộng đồng chung vào năm tới được đánh giá là tạo nhiều cơ hội cho Thái Lan trở thành điểm trung tâm kết nối toàn khu vực. Thái Lan cũng cho triển khai kế hoạch “ASEAN đến với Thái Lan”, trong đó tập trung xây dựng những điểm mua sắm và du lịch cuối tuần. Đây là một trong những kế hoạch nhằm tăng sự kết nối của Thái Lan với các nước ASEAN, đạt mục tiêu 8 triệu khách du lịch ASEAN trong năm tới.

Đối với châu Âu, châu Mỹ hay Trung Đông, Thái Lan đang triển khai giới thiệu thêm 12 tỉnh không thể bỏ qua trong các chuyến du lịch tại Thái Lan. Kế hoạch này chú trọng đến giới thiệu văn hóa, xã hội và con người Thái Lan. Tổng cục Du lịch Thái Lan dự tính sẽ đón thêm khoảng 7 triệu khách châu Âu năm 2015 với doanh thu khoảng 505 tỷ baht. Thái Lan cũng đặt mục tiêu sẽ đón khoảng 25 đến 27 triệu khách du lịch và đạt doanh thu khoảng 2200 tỷ baht (Khoảng 6.7 tỉ USD) năm 2015. (1)

Nhìn nhanh hiệu quả

Thành công của những chiến dịch xúc tiến thương mại đã đem lại cho du lịch Thái Lan những con số ấn tượng. Ngành du lịch Thái Lan phát triển khá mạnh trong khu vực và đứng hạng 15 trên thế giới. Dịch vụ du lịch cũng là dịch vụ thu hút nguồn ngoại tệ cao hơn hẳn với những ngành khác tại Thái. Dịch vụ tốt, giá rẻ cùng với sự mến khách và truyền thống văn hóa của người dân Thái là những yếu tố quan trọng góp phần thu hút khách du lịch. Thành công từ những hoạt động, chiến dịch quảng bá và chất lượng du lịch khiến mỗi năm, Thái Lan đón một lượng du khách quốc tế trên 10 triệu người, chủ yếu đến từ các nước trong khối ASEAN, châu Á, châu Âu. Năm 2005, du lịch Thái Lan thu hút 13 triệu khách du lịch, thu về 409 tỉ baht (khoảng 10 tỉ USD), sau 8 năm, lượng du khách đến Thái tăng gấp đôi là 26 triệu khách. Đây quả thực là một con số ấn tượng.

Không dừng lại ở đó, ngành du lịch Thái Lan đang phấn đấu đạt mục tiêu doanh thu 2000 tỉ baht vào năm 2015. Năm 2013, thủ đô Bangkok của Thái Lan, lần thứ 2 kể từ năm 2008 được trao tặng giải thưởng “Thành phố tốt nhất thế giới” do tạp chí du lịch uy tín Travel + Lesure bình chọn, dựa trên 6 tiêu chí chủ yếu: tính hấp dẫn du khách (bao gồm phong cảnh, sự lôi cuốn, sống động), văn hóa và truyền thống, thực phẩm và tiện ích mua sắm, sự thân thiện, những giá trị du lịch và mức độ hài lòng của du khách với số tiền bỏ ra khi đến thành phố. (2)

Tạm kết

Nếu như Hàn Quốc, Nhật Bản là những quốc gia sử dụng điện ảnh, âm nhạc như một công cụ để quảng bá đất nước thì Thái Lan lại là đất nước sử dụng các chiến dịch PR – Maketing như một cánh tay đắc lực để nâng tầm du lịch. Không thể phủ nhận rằng Thái Lan được tạo hóa ban tặng cho rất nhiều vĩ cảnh, Thái Lan cũng là nước có nền văn hóa đa dạng và vô cùng đặc sắc, những càng không thể phù nhận rằng thành công của du lịch Thái có sự đóng góp không nhỏ của những chiến dịch quảng bá ấn tượng. Thành công trong quảng bá du lịch Thái thực sự là một bài học cho rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, chìa khóa thành bại có lẽ là sự dũng cảm tìm ra những cách khác lạ, đôi khi là ngược đời, vô lí và sự tìm tòi, khai thác mọi thế mạnh. Kiên trì đi theo con đường này, có lẽ trong nhiều năm nữa, Thái Lan vẫn sẽ duy trì thế mạnh du lịch của mình, trở thành một trong những điểm đến tuyệt vời nhất thế giới, xứng đáng với tên gọi “Đât nước của nụ cười”.

Nguồn: Brandsvietnam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *