7- Eleven chính thức công bố bước vào thị trường Việt Nam. Với kinh nghiệm “chinh chiến” thị trường thế giới, đơn vị này sẽ làm nóng thêm cuộc chiến giành thị phần trong nước.
Mục lục bài viết
Mục tiêu 1.000 cửa hàng trong 10 năm tới
7-Eleven, chuỗi cửa hàng tiện lợi (CHTL) của Nhật với hơn 56.400 cửa hàng tại 17 quốc gia bao gồm cả các nước phát triển như Mỹ, Canada, Singapore… sắp bước vào thị trường Việt Nam, nâng số thị trường mà thương hiệu này đang và sẽ có mặt trên toàn cầu lên con số thứ 18 vào năm sau.
Theo tờ Inside Retail Asia, 7-Eleven Việt Nam là dự án hợp tác giữa công ty con của 7-Eleven có văn phòng đặt tại Mỹ và Công ty Seven System Vietnam. Tuy nhiên, theo tờ Nikkei (Nhật Bản), Seven System Vietnam đã chuyển giao quyền khai thác thương hiệu 7-Eleven cho Công ty IFB Vietnam, đơn vị hiện sở hữu thương hiệu nhượng quyền Pizza Hut tại Việt Nam.
Cũng theo tờ Nikkei, CHTL 7-Eleven đầu tiên tại Việt Nam sẽ được khai trương tại TP.HCM trong năm 2016, với mục tiêu phát triển 100 cửa hàng (trong 3 năm) và 1.000 cửa hàng (trong 10 năm tới). Lý do là hiện thị trường CHTL trong nước vẫn còn đang trong giai đoạn mới phát triển. Mức độ hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam không chỉ thể hiện ở mức dân số hơn 90 triệu dân mà còn ở tốc độ đô thị hóa ngày càng lớn ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Số liệu của Hãng kiểm toán Deloitte năm 2014 cho thấy, TP.HCM được xếp vào Top 10 thành phố hàng đầu châu Á để mở rộng lĩnh vực bán lẻ. Đây là ngành có tốc độ tăng trưởng ổn định dù kinh tế có khó khăn. Theo đó, doanh số bán lẻ tăng tới 60% trong giai đoạn 2009 – 2013 và dự báo đạt 109 tỷ USD vào năm 2017.
Còn theo Nielsen Việt Nam, mô hình CHTL sẽ có nhiều cơ hội phát triển trong thời gian tới vì hiện số lượng bình quân người tiêu dùng trên mỗi cửa hàng tại Việt Nam vẫn rất lớn và vượt xa nhiều nước.
Cụ thể, tại Việt Nam là 69.000 người/cửa hàng trong khi Philippines là 36.000 người/cửa hàng, Trung Quốc là 21.000 người/cửa hàng, Thái Lan là 5.556 người/cửa hàng, Hàn Quốc là 1.835 người/cửa hàng. Việt Nam hiện chỉ có khoảng 400 CHTL trong khi Thái Lan có tới 10.000 CHTL cho 60 triệu dân. Như vậy, Việt Nam vẫn là mảnh đất màu mỡ dành cho các nhà bán lẻ nhắm tới cho việc mở rộng kinh doanh mô hình CHTL.
Được biết, kế hoạch của 7-Eleven là sẽ mở cửa hàng do công ty sở hữu trong thời gian đầu, sau đó sẽ triển khai bán nhượng quyền trong giai đoạn tiếp theo. Mục tiêu của 7-Eleven khi thâm nhập thị trường Việt Nam là nâng cao trải nghiệm mua sắm tại CHTL cho khách hàng và góp phần hiện đại hóa ngành bán lẻ tại quốc gia đông dân thứ 13 trên thế giới.
Ngoài ra, 7-Eleven tại Mỹ và công ty mẹ tại Nhật Bản sẽ hỗ trợ khởi nghiệp cho đối tác nhượng quyền tại Việt Nam bằng chiến lược thâm nhập thị trường, trưng bày hàng hóa và quản trị mặt hàng hiệu quả.
Ông Robert Trần, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn chiến lược Robenny Corporation, phụ trách khu vực Mỹ và châu Á – Thái Bình Dương cho biết, việc các công ty vẫn đeo bám chiến lược mở rộng chuỗi CHTL ở Việt Nam vì 2 lý do. Thứ nhất, đối với công ty ngoại có quy mô hàng ngàn đến hàng chục ngàn CHTL như Circle K, Shop & Go, FamilyMart, việc tạo được chỗ đứng ở một thị trường đông dân, có tốc độ tăng trưởng bán lẻ trung bình 15% như Việt Nam sẽ giúp các công ty gia tăng số lượng cửa hàng một cách nhanh chóng. Điều này sẽ giúp họ có lợi thế trong đàm phán về giá với nhà sản xuất, đàm phán nợ và cả việc đàm phán mức hoa hồng mà họ muốn.
Tiếp đến, việc tăng cường sự hiện diện ở khắp nơi cũng giúp các công ty làm nổi bật tên mình trên bản đồ thế giới và được nhà đầu tư đánh giá cao. Do đó, họ sẵn sàng bỏ qua vấn đề lợi nhuận, dùng lợi nhuận đạt được từ các thị trường khác bù vào khoản thua lỗ ở thị trường Việt Nam. Năm 2012, dù FamilyMart thua lỗ khoảng 11,5 triệu USD tại thị trường Mỹ, Trung Quốc và Việt Nam, nhưng gộp chung các thị trường lại, công ty vẫn có mức lãi ròng tăng 50,9%.
Cạnh tranh khốc liệt
Circle K phải dè chừng với ông lớn 7-Eleven.
Mặc dù Việt Nam là mảnh đất màu mỡ cho các nhà bán lẻ, nhưng rõ ràng, với sự hiện diện của các đối thủ nặng ký như Circle K, B’s Mart, Shop & Go và Ministop, 7-Eleven sẽ gặp không ít thách thức.
Với hơn 100 cửa hàng tại TP.HCM, Circle K chính thức mở cửa tại Việt Nam năm 2009 thông qua Công ty Vòng Tròn Đỏ thuộc Tập đoàn GR International Hong Kong. Circle K đã dần chinh phục khách hàng với phong cách cũng rất Mỹ. Chuỗi bán lẻ này đặt mục tiêu quy mô 150 cửa hàng trong năm nay và 500 cửa hàng vào cuối năm 2017 tại Việt Nam.
Một hệ thống CHTL khác là Ministop, công ty con của Aeon hợp tác với Sojitz cũng của Nhật Bản đang có tham vọng mở tới 800 CHTL trong vòng 10 năm tới tại Việt Nam.
Hai đối thủ nặng ký khác là Shop & Go và B’s mart cũng đang lần lượt sở hữu 125 và 75 CHTL tập trung chủ yếu ở khu vực TP.HCM. Chắc chắn, họ sẽ tiếp tục mở rộng quy mô ngay trong năm nay.
Ông Robert Trần cho rằng, việc xuất hiện thêm nhiều CHTL sẽ là điều kiện tốt giúp người tiêu dùng có thể mua được sản phẩm với mức giá cạnh tranh nhất. Tuy nhiên, nếu đứng trên cương vị là một nhà đầu tư thì mấu chốt của cuộc chiến lúc này với 7-Eleven chính là tìm kiếm được các vị trí chiến lược. Hiện các nhà bán lẻ phải thuê mặt bằng với giá khoảng 9 USD/m2/tháng thì mới có hiệu quả kinh doanh , nhưng trên thực tế thì mặt bằng cho thuê bán lẻ hiện nay ở các khu trung tâm, nơi ưu tiên đầu tư mô hình CHTL thường có giá từ 30-50 USD/m2/tháng.
Trong khi đó, ông Robert Trần khẳng định: “Nhà đầu tư muốn ghi nhận lợi nhuận từ mô hình này tại Việt Nam thì phải đạt số lượng cửa hàng lớn gấp đôi hoặc gấp 3 lần so với các nước, tức phải phát triển ở mức hàng trăm cửa hàng”.
Theo Người Tiêu Dùng