Có lẽ bất kỳ doanh nghiệp nào cũng khao khát có được một tập khách hàng trung thành lớn mạnh. Họ sẽ không quan tâm đến giá cả, thờ ơ trước những lời mời mọc của đối thủ cạnh tranh và là trợ thủ tiếp thị đắc lực, sẵn sàng bảo vệ thương hiệu mọi lúc mọi nơi, đó thực sự là những điều tuyệt vời mà doanh nghiệp nào cũng mong muốn có được.
Tùy vào từng ngành nghề mà mỗi doanh nghiệp đều có những cách khác nhau để gia tăng tập khách hàng trung thành.
Giữ chân khách hàng là một nghệ thuật kinh doanh mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần phải có
Dưới đây, chúng tôi xin gửi đến các bạn 4 cách đơn giản để nuôi dưỡng lòng trung thành của khách hàng.
Mục lục bài viết
1. Dự đoán trước những nhu cầu khách hàng
Bạn biết họ muốn gì tiếp theo, bạn cũng biết họ cần gì khi bước vào cửa hàng của bạn lần thứ 2, điều đó thực sự không phải doanh nghiệp nào cũng làm được. Khi nhu cầu của khách hàng được đáp ứng trước khi họ kịp bày tỏ, họ sẽ có cảm giác bạn thực sự quan tâm đến họ. Để làm được điều này, bạn không cần phải là một nhà tiên tri, tất cả những gì bạn cần làm là chú ý và thấu hiểu khách hàng. Những nỗ lực đó của bạn hoàn toàn xứng đáng nếu bạn lại tiếp tục có thêm những khách hàng trung thành. Cảm giác “được chăm lo” sẽ khiến khách hàng gắn bó với bạn lâu dài hơn và lòng trung thành, nhờ đó cũng tăng thêm.
Trong trường hợp, bạn cung cấp các dịch vụ online. Khi khách hàng chọn giao dịch với một nhân viên trong công ty, họ mong muốn sự tương tác giữa người với người, cho dù họ có giáp mặt với bạn hoặc chỉ giao dịch qua mạng. Vì thế, thay vì gởi ra những email kiểu tự động, bạn nên cho khách hàng một cơ hội tiếp xúc với chính nhân viên cửa hàng và bố trí người tiếp nhận và hồi âm email từ khách hàng.
2. Không tuyển nhân viên một cách nóng vội
“Con sâu làm rầu nồi canh”, chỉ cần một nhân viên thiếu thiện chí hay kỹ năng cũng đủ khiến mọi nỗ lực cung cấp dịch vụ khách hàng hoàn hảo của bạn tan thành mây khói. Vì vậy, thà rằng bạn để trống một vị trí, còn hơn thuê gấp gáp một người không phù hợp. Hơn nữa, chất lượng dịch vụ sẽ tốt hơn nếu người lãnh đạo biết cách tuyển dụng và đào tạo đội ngũ nhân viên.
“Lời nói không mất tiền mua”, bởi vậy mà bạn cần cẩn trọng trong cách lựa chọn từ ngữ khi giao tiếp với khách hàng. Câu nói “hàng này xịn lắm” có thể thích hợp ở cửa hàng vật dụng nhỏ, nhưng khi được thốt ra ở cửa hàng trang sức hàng hiệu sang trọng thì thật không chuyên nghiệp. Ngoài ra, bạn cũng nên tránh cách nói gây “khó xử” với khách hàng, những nhân viên bán hàng cần học được cách chào hàng một cách thân thiện và phù hợp với từng khách hàng mà họ tư vấn, cách tư vấn một cô gái trẻ chắn chắn sẽ khác khi tư vấn cho một cụ già.
3. Luôn ghi nhớ khách hàng quen
Bất kể quy mô công ty bạn thế nào, bạn nên học cách ghi nhớ sở thích, thói quen và đặc điểm của từng khách hàng quen, ít nhất là tên tuổi chẳng hạn. Ngày nay, với hệ thống theo dõi thông tin khách hàng trên máy tính và đội ngũ nhân viên tận tâm, bạn có thể tạo ra cảm giác “quen thuộc như người nhà” với khách hàng, và họ sẽ dễ dàng quay lại với bạn thường xuyên hơn.
4. “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi.”
Các nghiên cứu tâm lý cho thấy rằng khách hàng ghi nhớ rõ nhất những giây phút đầu tiên và sau cùng của mỗi lần giao dịch với doanh nghiệp. Vì vậy, đây là những lúc bạn cần chú ý đặc biệt và đảm bảo mọi thứ đều trơn tru, vì chắc chắn rằng, ấn tượng đầu tiên và sau cùng sẽ ở lại trong trí nhớ của khách hàng lâu hơn cả.
Ngoài ra, một dịch vụ “Nhanh, gọn, chuyên nghiệp” là yêu cầu thường trực của khách hàng ngày nay. Trong thời đại của iPhone và thương mại điện thử đua nhau chạy, chậm trễ cũng là một trong những lý do khiến khách hàng từ chối bạn mãi mãi.
Theo BrandsVietnam